Chiến dịch Điện Biên Phủ: Trận Quyết chiến - Chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954

Năm 1953, cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống Thực dân Pháp bước vào năm thứ tám. Tình hình đã phát triển ngày càng có lợi cho ta, không có lợi cho quân xâm lược. Càng đánh ta càng mạnh, càng thắng. Càng tiếp tục chiến tranh, địch càng gặp khó khăn mới, càng lún sâu vào thế bị động. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 và thông qua kế hoạch tác chiến với các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là 'Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán'...

17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam chiếm Sở chỉ huy trung tâm, tướng Đờ - Cát - xtơ - ri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. (Ảnh tư liệu)

Thực tế là, trong khi quân địch tập trung lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, uy hiếp vùng tự do, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chủ trương mở nhiều hướng tiến công về phía Tây để phân tán lực lượng cơ động địch, tiêu diệt nhiều sinh lực của chúng, đồng thời đẩy mạnh cuộc đấu tranh sau lưng địch. Thực hiện chủ trương trên, giữa tháng 11 năm 1953, bộ đội chủ lực ta bắt đầu tiến quân theo hướng chiến lược đã lựa chọn. Bị uy hiếp ở chỗ sơ hở nhất, yếu nhất, trước nguy cơ đổ vỡ lớn, địch vội vã đối phó. Ngày 20/11/1953, địch mở cuộc hành quân Cát - To (Castor) cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ngày 25/11/1953, chúng mở chiến dịch Ác - đét sơ (Ardeche) đánh chiếm Mường Ngòi, Mường Khoa, xây dựng phòng tuyến sông Nậm Hu để nối liền Thượng Lào với Điện Biên Phủ.

Tổng Quân ủy nhận định: Trước sự uy hiếp của ta, địch phải bị động đối phó, phải phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ để yểm hộ Tây Bắc, che chở cho Thượng Lào, phá kế hoạch tiến công của ta. Cùng thời gian trên, Đại Đoàn 316 được lệnh gấp rút lên Lai Châu, cắt đứt giữa Lai Châu với Điện Biên Phủ, không cho quân địch ở hai nơi này liên lạc với nhau. Đại đoàn 308 từ Thái Nguyên tiến lên Tây Bắc qua Nà Sản. Trước tình hình đó, Tướng Pháp Na-va chủ trương tăng cường và giữ Điện Biên Phủ. Quân Pháo cho rằng quân đội ta chưa đánh nổi một tập đoàn cứ điểm; khả năng tiếp tế của ta rất có hạn vì phương tiện vận tải kém, đường sá bị phá hủy hoặc không có, ta không thể sử dụng một khối lượng quan trọng các vũ khí nặng vì không sao khắc phục được vấn đề vận chuyển. Ngày 3/12/1953 Na-va quyết định “Tập trung cuộc phòng ngự Tây Bắc vào căn cứ không quân - lục quân Điện Biên Phủ” (Huấn lệnh của Na-va ngày 3/12/1953 năm 1953) và “Giữ căn cứ này với bất kỳ giá nào”, quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một “pháo đài” rất mạnh, sẵn sàng “nghiền nát” bộ đội chủ lực của ta. Như vậy là ta mới tiến quân chưa đánh mà kế hoạch của địch đã bị đảo lộn. Na-va tiếp nhận quyết chiến với ta ở Điện Biên Phủ ngoài dự kiến kế hoạch ban đầu.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm. Sau khi nghe phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị đã phân tích “Về địch: Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng có cái yếu cơ bản là bị cô lập; mọi việc tiếp viện, tiếp tế đều dựa vào đường không. Về ta: Với chất lượng được nâng cao trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá, tiếp tế cho chiến dịch đúng là khó khăn rất lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển động mạnh trong cách mạng ruộng đất sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến và nhất định bảo đảm cung cấp cho chiến dịch”. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy.

Các cánh quân tiến vào cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Tháng 12/1953, Hồ Chủ tịch chỉ thị cho đồng chí Tổng Tư lệnh “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Theo đó Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng mặt trận. Ngày 22/12/1953, Hồ Chủ tịch trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho quân đội, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công.

Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch: “Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”, nhân dân ta ở vùng tự do, ở vùng Tây Bắc mới giải phóng, ở vùng sau lưng địch đồng bằng Bắc Bộ đã dồn sức người, sức của cho chiến dịch.

Cuộc chiến đấu bảo đảm đường sá, tiếp tế vận tải diễn ra khẩn trương, quyết liệt ngay từ những ngày đầu chuẩn bị đến khi kết thúc chiến dịch. Các loại phương tiện vận chuyển được huy động tối đa hơn 600 xe ôtô vận tải, 11.800 chiếc thuyền, hơn 2 vạn xe đạp thồ... việc cung cấp tiếp tế cho một lực lượng lớn tác chiến trên một mặt trận rất xa hậu phương trong một thời gian dài đã được khắc phục. Nhân dân ta đã lập một kỳ công ngoài sự tính toán của địch.

Trong khi đó từ đầu tháng 12/1953, quân địch đã tập trung tăng cường khả năng phòng thủ cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến đầu tháng 3/1954, lực lượng địch ở Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh. Trong quá trình chiến dịch, địch tăng thêm 4 tiểu đoàn và 2 đại đội tổng cộng là 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù (phần lớn là quân tinh nhuệ bậc nhất của địch); pháo binh địch có 2 tiểu đoàn 105 ly, 1 đại đội 155 ly và 2 đại đội súng cối 120 ly với tất cả trên 40 khẩu pháo, công binh 1 tiểu đoàn, xe tăng 1 đại đội (10 chiếc M24), không quân có 1 phi đội thường trực (14 chiếc)... Tổng số quân địch ở Điện Biên Phủ là 16.200 tên, địch bố trí thành 49 cứ điểm, tổ chức thành 08 cụm; 08 cụm cứ điểm hợp thành 03 phân khu. Ngoài ra Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ còn được chi viện tối đa không quân của địch bố trí tại Chiến trường Đông Dương.

Bộ trưởng chiến tranh, quốc phòng nước Pháp, tướng lĩnh và đô đốc, tổng tham mưu trưởng, tham mưu trưởng các quân chủng hải, lục, không quân Pháp và cả tướng Mỹ Ô-Đa-Ni-En đã đến kiểm tra đều xác nhận đây là “một pháo đài bất khả xâm phạm” và địch nghênh ngang tuyên bố sẽ đánh bại đối phương đồng thời rải truyền đơn, thách thức Bộ chỉ huy mặt trận ta.

Về phía ta, các đơn vị đã đến vị trí tập kết gồm các đại đoàn chủ lực: 308, 312, 316, 304 (thiếu Trung đoàn 66) tất cả 11 trung đoàn bộ binh. Đại đoàn công pháo 351 gồm Trung đoàn Lựu pháo 45 (24 khẩu 105 ly); Trung đoàn sơn pháo 675 (20 khẩu 75 ly); 4 đại đội súng cối (16 khẩu 120 ly); 1 trung đoàn công binh công trình, 1 Trung đoàn (thiếu) pháo cao xạ (24 khẩu 37 ly), 2 tiểu đoàn súng máy cao xạ 12,7 ly... Căn cứ vào tình hình lực lượng địch chưa tăng cường, công sự trận địa chưa kiên cố, quân địch lại vừa thua trận ở Lai Châu, phương châm chiến dịch của ta lúc đầu (tháng 1/1954) là “Đánh nhanh giải quyết nhanh”. Việc chuẩn bị đã xong, bộ đội ta đã đến vị trí xuất phát tiến công, nhiều khẩu pháo đã được kéo vào trận địa. Sau khi kiểm tra, cân nhắc kỹ lực lượng ta và địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm chiến dịch từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Trưa 26/01/1954, Đảng ủy mặt trận họp và hoàn toàn nhất trí với việc thay đổi phương châm chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị hoàn toàn nhất trí với quyết định của Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận.

Để đánh lạc hướng phán đoán của địch, cô lập hơn nữa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tiếp tục mọi công tác chuẩn bị, ngay chiều 26/1/1954, Đại đoàn 308 được lệnh mở cuộc tiến công vào phòng tuyến địch ở lưu vực sông Nậm Hu, Thượng Lào. Trong 5 ngày chiến đấu và truy kích trên chặng đường dài hơn 200km, Đại đoàn 308 đã tiêu diệt 17 đại đội địch. Phòng tuyến sông Nậm Hu “con đường liên lạc chiến lược” của địch với Điện Biên Phủ bị phá vỡ, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phong Xa Lỳ. Căn cứ kháng chiến nhân dân Lào mở rộng nối liền với Khu Tây Bắc của ta. Phương châm chiến dịch thay đổi, kế hoạch bố trí và sử dụng pháo binh phải sửa đổi lại. Sau 9 ngày đêm dùng sức người kéo pháo vào trận địa, các chiến sỹ ta lại kéo pháo ra và mở đường kéo pháo vào trận địa mới. Cuộc thử thách của cán bộ chiến sỹ ta với đèo cao, dốc núi, dưới bom đạn địch, diễn ra dai dẳng quyết liệt. Bộ đội ta đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng để hoàn thành nhiệm vụ. Đầu tháng 3/1954, Hồ Chủ tịch gửi thư cho các chiến sỹ: “Các chú sắp ra mặt trận, nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang... Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to, Bác hôn các chú”.

Vâng lời Bác, toàn thể cán bộ chiến sỹ đã sẵn sàng. Đúng 17h ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu.

Đợt tiến công thứ nhất, ta đánh vào các cụm cứ điểm phía Bắc. Sau 5 ngày chiến đấu ta đã tiêu diệt nhanh gọn 2 cụm cứ điểm kiên cố vào bậc nhất của địch (Him Lam và đồi Độc Lập). Sau đó làm tan rã thêm 1 tiểu đoàn địch, chiếm luôn cứ điểm thứ 3 (Bản Kéo), diệt và bắt sống 2.000 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp nghiêm trọng sân bay Mường Thanh, giáng một đòn choáng váng vào tinh thần binh lính địch. Pi-rốt (Piroth)- chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã dùng lựu đạn tự tử. Nỗi kinh hoàng lan từ Điện Biên Phủ đến các sở chỉ huy của địch ở Hà Nội và Sài Gòn.

Đợt tiến công thứ hai, ta đánh đồng loạt các cứ điểm phía Đông. Trong trận then chốt này, Đại đoàn 312 và Đại đoàn 316 cùng phần lớn hỏa lực pháo binh tiến công cùng lúc các cứ điểm địch trên các điểm cao phía Đông. Sau 5 ngày chiến đấu (từ 30/3 - 4/4), tuy không đạt được mục tiêu chiếm được toàn bộ các điểm cao phía Đông, song ta đã chiếm được 4 ngọn đồi hiểm yếu (E, D1, D2, C1) tạo thế quan trọng để triển khai lực lượng thắt chặt vòng vây, khống chế Mường Thanh, đẩy địch vào thế khốn quẫn.

Trong đợt ba, chiến dịch bắt đầu từ đêm 1/5/1954, ta sử dụng gần như toàn bộ lực lượng tổng công kích đánh chiếm A1, C1, C2, 507, 508, 509. Đặc biệt là trận đánh lúc 21 giờ ngày 6/5/1954, bộ đội công binh cho nổ khối thuốc 1.000kg TNT đặt ngầm giữa đồi A1. Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) chia làm nhiều mũi đánh vào tiêu diệt đơn vị lính dù Lê - Dương ở điểm cao cuối cùng: Đồi A1. Thừa thắng xốc tới, từ các hướng quân ta tiến vào Khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân địch ở các hầm cố thủ kéo cờ trắng xin hàng, Trung đội trưởng Chu Bá Thệ, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 dẫn Trung đội nhanh chóng vượt Cầu Mường Thanh tiến thẳng tới hầm chỉ huy địch.

17h30' ngày 7/5/1954 Tướng Đờ - Cát - xtơ - ri và bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho quân đội phất cao trên nóc hầm chỉ huy “pháo đài không thể công phá” của địch. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, của quân và dân ta được quyết định bằng một chiến thắng vĩ đại mang tên Điện Biên Phủ.

Trung tướng: Nguyễn Kim Khoa

Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội,Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chien-dich-dien-bien-phu-tran-quyet-chien-chien-luoc-trong-chien-cuoc-dong-xuan-1953-1954-211232.htm