Chia sẻ triển khai đáp ứng y tế công cộng trong phòng chống HIV

Đáp ứng y tế công cộng là chuỗi các hoạt động can thiệp, nhằm kịp thời ngăn chặn sự lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng đang gia tăng lây nhiễm hoặc tại một khu vực địa lý cụ thể được xác định có chùm lây nhiễm trong một thời gian nhất định.

Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai đáp ứng y tế công cộng.Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động năm thứ 4 - Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (Dự án EPIC) do CDC Hoa Kỳ tài trợ.

PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, một trong những nỗ lực góp phần vào những thành tựu đạt được của chương trình phòng, chống HIV/AIDS là sự triển khai thành công chương trình đáp ứng y tế công cộng ở những tỉnh có tình hình dịch mới nổi, đáp ứng với những chùm lây nhiễm kịp thời.

Mặc dù trong thời gian đầu, việc triển khai hoạt động đáp ứng y tế công cộng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến tháng 11/2022, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV, việc triển khai đáp ứng y tế công cộng đã được mở rộng thêm tại các tỉnh, thành phố khác như Sóc Trăng, Đồng Tháp

Với sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, PEPFAR, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện đáp ứng y tế công cộng và đã đạt được những kết quả nhất định như Cần Thơ, Kiên Giang. Tuy nhiên, cũng còn nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thực tiễn.

TS. Eric Dziuban - Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.

TS. Eric Dziuban - Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Eric Dziuban - Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đánh giá cao việc triển khai đáp ứng y tế công cộng đối với các chùm lây nhiễm tại Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, luôn đưa ra những giải pháp, áp dụng có hiệu quả để kiểm soát và sớm kết thúc đại dịch vào năm 2030.

Tuy nhiên, bên cạnh việc chia sẻ những bài học kinh nghiệm và cách thức để đạt được những thành tựu hơn nữa, cần phải tập trung vào một số nguyên tắc như: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đáp ứng được nhu cầu thay đổi của cộng đồng người nhiễm HIV và quần thể đích; luôn luôn đảm bảo trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, phải sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả nhất; tập trung hỗ trợ các tỉnh thành, cộng đồng để nhân rộng các dịch vụ phòng, chống và điều trị HIV/AIDS để mang lại hiệu quả cao và tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động các phòng xét nghiệm và hệ thống dữ liệu, TS. Eric Dziuban chia sẻ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các dịch vụ cung cấp, kết quả triển khai các chương trình giám sát dịch, phân tích sử dụng số liệu trong cảnh báo, xét nghiệm nhiễm mới, điều trị PrEP, mô hình OSS, kết nối điều trị, điều trị trong ngày… và thảo luận về các hoạt động đáp ứng y tế công cộng cũng như các thách thức triển khai trong thời gian tới.

Xuân Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chia-se-trien-khai-dap-ung-y-te-cong-cong-trong-phong-chong-hiv-169230926140142085.htm