Chia sẻ kinh nghiệm viết sáng kiến

Muốn có được sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) chất lượng, thường người viết luôn bắt đầu từ những vấn đề trong thực tiễn để sản phẩm có tính vận dụng

Cô Vũ Thị Anh và học trò. Ảnh: NVCC

Muốn có được sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) chất lượng, thường người viết luôn bắt đầu từ những vấn đề trong thực tiễn để sản phẩm có tính vận dụng cao và có thể áp dụng rộng rãi.

Lưu ý 5 bước

Với thâm niên 16 năm công tác, có 15 sáng kiến thuộc các lĩnh vực chuyên môn, chủ nhiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp, đã 3 lần có SKKN được công nhận cấp tỉnh, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cho rằng, khi viết về một lĩnh vực nào đó, việc lựa chọn đề tài là trăn trở đầu tiên. Vấn đề lựa chọn có tính mục đích; thực tiễn, sát thực; khoa học và sáng tạo; vận dụng trong quá trình giảng dạy hoặc làm công tác chủ nhiệm.

Cụ thể, SKKN giải quyết được những khó khăn, thực trạng gì? (mục đích). SKKN cần tổng kết được hiện trạng trong giảng dạy hoặc chủ nhiệm, từ đó đưa ra lý do chọn đề tài/vấn đề để viết (thực tiễn).

Cần trình bày được cơ sở lý luận, thực tiễn để có căn cứ giải quyết vấn đề nêu ra trong SKKN: Chỉ ra được phương pháp nghiên cứu, số liệu và kết quả dẫn chứng thu thập chính xác (khoa học và sáng tạo). Trong quá trình viết SKKN, phải chia sẻ những giải pháp, biện pháp, bài học kinh nghiệm để áp dụng có hiệu quả; đồng thời phân tích cho thấy triển vọng việc áp dụng SKKN (vận dụng).

Để viết SKKN, theo cô Vũ Thị Anh, phải trải qua 5 bước. Bước 1, chọn và đặt tên đề tài để viết. Các vấn đề có thể chọn viết SKKN rất phong phú, đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực. Ví như: Kinh nghiệm trong giảng dạy một chương, bài, nội dung kiến thức cụ thể; giáo dục đạo đức học sinh; bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém; tổ chức một hoạt động giáo dục cụ thể cho học sinh; kinh nghiệm giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp khi tiến hành các hoạt động, phong trào Đoàn…

“Khi tiến hành viết sáng kiến, việc làm đầu tiên là suy nghĩ lựa chọn tên đề tài phù hợp. Trong nghiên cứu khoa học, xác định tên đề tài có ý nghĩa quan trọng số một, đôi khi quan trọng hơn cả việc giải quyết đề tài. Xác định tên đề tài chính xác sẽ có tác dụng định hướng giải quyết vấn đề, giúp tác giả tập trung nghiên cứu vào vấn đề cần giải quyết, tránh lan man, lạc đề.

Tên đề tài chính là một mâu thuẫn, vấn đề trong thực tiễn giảng dạy, giáo dục mà tác giả đang phân vân, trăn trở, tìm cách giải quyết, làm sáng tỏ. Tên đề tài mang tính chủ thể, đòi hỏi người viết phải có sự hứng thú, kiên trì và quyết tâm với nó”. - cô Vũ Thị Anh

Nhấn mạnh điều này, cô Vũ Thị Anh cho rằng, về mặt ngôn từ tên đề tài phải đạt các yêu cầu: Đúng ngữ pháp; đủ ý, rõ nghĩa, không làm người đọc hiểu theo ý khác; xác định được phạm vi, nội dung nghiên cứu cụ thể của đề tài, cần tránh vấn đề quá chung chung hoặc có phạm vi quá rộng khó giải quyết trọn vẹn trong một đề tài. Đề tài dài không quá 30 từ, không viết tắt, đúng trọng tâm SKKN.

Bước 2: Viết đề cương chi tiết: Đây là công việc cần thiết khi viết SKKN. Nếu bỏ qua sẽ không định hướng được mình phải viết gì, thu thập tư liệu gì về lý luận và thực tiễn, cần trình bày những số liệu ra sao? Việc chuẩn bị đề cương chi tiết bao nhiêu thì viết SKKN càng thuận lợi bấy nhiêu.

Khi xây dựng đề cương chi tiết, cần chú ý xây dựng dàn bài chi tiết với các đề mục rõ ràng, hợp logic, chỉ ra những ý cần viết trong từng đề mục cụ thể. Việc này cần cân nhắc kỹ lưỡng sao cho đủ phán ánh nội dung đề tài, không thừa và không thiếu. Cùng đó, thiết kế các bảng thống kê số liệu phù hợp, mẫu phiếu điều tra khảo sát, hình ảnh… phục vụ thiết thực việc minh họa, dẫn chứng cho đề tài.

Bước 3: Tiến hành thực hiện đề tài. Bước này, người viết tìm đọc các tài liệu liên quan, ghi nhận những công việc đã thực hiện trong thực tiễn (biện pháp, các bước tiến hành, kết quả cụ thể), thu thập số liệu để dẫn chứng. Cần lưu trữ các tư liệu thu thập được theo từng loại, theo file… để khi sắp xếp nội dung dễ dàng lựa chọn. Quá trình thu thập tài liệu cần tiếp tục xem xét chỉnh sửa đề cương chi tiết cho phù hợp tình hình thực tế.

Bước 4: Viết bản thảo SKKN theo đề cương đã chuẩn bị. Khi viết, cần chú ý đây là loại văn bản báo cáo khoa học nên ngôn ngữ viết ngắn gọn, chính xác. Tránh sử dụng ngôn ngữ nói, hoặc kể lể dài dòng nhưng không diễn đạt được thông tin cần thiết.

Bước 5: Hoàn chỉnh bản SKKN, in đọc rà soát lại lỗi chính tả, lỗi đánh máy, xem căn chỉnh lề theo đúng quy định.

“Sau khi hoàn thiện SKKN, ngay tại đơn vị công tác của tôi sẽ tổ chức thẩm định, lập hội đồng chấm. Nếu kết quả đạt theo yêu cầu thì gửi sản phẩm về ngành để tiếp tục thẩm định, công nhận cấp ngành. Sản phẩm SKKN của tôi được chia sẻ cho đồng nghiệp trong và ngoài trường tham khảo, có tính thực tiễn trong lĩnh vực chuyên môn, chủ nhiệm”, cô Vũ Thị Anh chia sẻ.

Thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ). Ảnh: NVCC

Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn

Từng có SKKN cấp thành phố, thầy Trang Minh Thiên, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) nêu quan điểm: Để có được SKKN chất lượng, có thể áp dụng trong thực tế, điều đầu tiên phải xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn và có sự chọn lọc hợp lý của giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Tiếp đó, người viết SKKN cần nắm rõ cấu trúc, dàn ý sáng kiến; nắm chắc cách đặt vấn đề, chọn giải pháp, giải quyết vấn đề cũng như những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện để người đọc dễ dàng hình dung, thấy rõ quá trình thực hiện sáng kiến của người viết.

Một điểm quan trọng khác, người viết cần nắm rõ các định hướng đổi mới của ngành, chương trình giáo dục để dễ dàng hơn trong chọn đề tài phù hợp, đảm bảo tính thực tiễn. Các giải pháp của sáng kiến nên tập trung trong bối cảnh chung để có thể áp dụng cho nhiều đơn vị, đối tượng khác nhau; từ đó nhân rộng dễ dàng.

Từ kinh nghiệm của giáo viên giỏi, theo cô Đỗ Thị Hồi, Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), để viết được SKKN chất lượng, trước tiên phải xác định được thực trạng địa phương, học sinh; khó khăn học sinh đang gặp phải, nguyên nhân học sinh học chưa tốt; những yếu tố từ giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em. Từ đó, giáo viên xây dựng biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục môn học. Các giải pháp đưa ra cần phù hợp với nhận thức, khơi dậy được sự ham thích trong học tập của học sinh.

“Để sáng kiến có hiệu quả, giáo viên khi thực hiện cần thử nghiệm, rút kinh nghiệm trong các buổi sinh hoạt chuyên môn để tổ chuyên môn góp ý. Sau khi thử nghiệm và lấy ý kiến tổ chuyên môn mới tiến hành xây dựng giải pháp. Giải pháp cần được điều chỉnh nhiều lần để hoàn thiện”. - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường Tiểu học Lạc Hòa 1

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chia-se-kinh-nghiem-viet-sang-kien-post635858.html