Chi phí năng lượng sạch tiếp tục giảm trong năm 2025

Đi cùng sự tăng trưởng là xu hướng giảm mạnh chi phí của các công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là pin mặt trời và pin lưu trữ, bất chấp thuế nhập khẩu tăng.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Cụ thể, việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời toàn cầu đã tăng trưởng ấn tượng, với 80% (lên 400 GW vào năm 2023). Mặc dù tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2024, xu hướng chuyển dịch sang năng lượng sạch vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch và nhiên liệu hóa thạch, 2015-2024. Nguồn: Cơ quan Năng lượng Quốc tế

Đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch và nhiên liệu hóa thạch, 2015-2024. Nguồn: Cơ quan Năng lượng Quốc tế

Sự kết hợp giữa năng lượng mặt trời và hệ thống pin lưu trữ đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực năng lượng, cho phép cung cấp điện liên tục, ổn định suốt 24 giờ, khắc phục nhược điểm về thời gian sử dụng của điện mặt trời.

Trong những thập kỷ tới, đầu tư năng lượng sẽ chuyển dịch mạnh mẽ từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng phi hóa thạch, với dự kiến tăng từ 570 tỷ USD năm 2023 lên 1.700 tỷ USD vào năm 2050. Mặc dù đầu tư vào hóa thạch vẫn chiếm tỷ trọng lớn (800 tỷ USD mỗi năm) cho đến những năm 2040. Sự chuyển đổi này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong đó năng lượng mặt trời PV nổi lên như một ví dụ điển hình với khả năng thu hút đầu tư lớn và dễ dàng triển khai.

Trong tương lai gần, chi phí sử dụng vốn sẽ thay đổi đáng kể do nhiều yếu tố. Lạm phát sẽ giảm tác động đến chi phí vay, nhưng nhận thức về rủi ro sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành. Năng lượng tái tạo và hạt nhân sẽ được ưu đãi hơn về tài chính, trong khi nhiên liệu hóa thạch sẽ phải chịu chi phí cao hơn.

Giảm chi phí nhanh chóng đã thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng, khiến cho các dự án năng lượng sạch ngày càng hấp dẫn. Trong số tất cả các công nghệ mới nổi, lưu trữ năng lượng đã có những bước tiến lớn. Chi phí của pin lithium-ion đã giảm hơn 90% trong thập kỷ qua và chỉ riêng trong năm 2024, nó đã giảm 40%.

Đồng thời, sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch cũng được hỗ trợ bởi các yếu tố chiến lược: các nền kinh tế lớn đang triển khai các chiến lược công nghiệp mới để thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch và thiết lập vị thế vững chắc hơn trên thị trường.

Những thay đổi này tạo ra bối cảnh rất năng động cho năm 2025.

Theo báo cáo từ BloombergNEF (BNEF), chi phí của các công nghệ năng lượng sạch trên toàn thế giới, chẳng hạn như gió, mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng điện bằng pin, dự kiến sẽ giảm hơn nữa trong năm nay. Điều này diễn ra bất chấp các chính sách nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm năng lượng xanh, thông qua việc áp đặt thuế nhập khẩu.

Năm ngoái, năng lực sản xuất công nghệ sạch dư thừa của Trung Quốc đã thúc đẩy chi phí giảm và các quốc gia như Mỹ và các quốc gia châu Âu đã áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc như các thành phần năng lượng mặt trời và xe điện để bảo vệ sản xuất trong nước.

Trung bình, Trung Quốc có thể sản xuất một megawatt giờ điện từ các công nghệ phát điện lớn rẻ hơn 11-64% so với các thị trường khác, báo cáo cho biết.

Chi phí cho các công nghệ năng lượng sạch dự kiến sẽ giảm thêm 2-11% trong năm 2025. Trong khi các rào cản thương mại có thể tạm thời ngăn chặn sự suy giảm, BNEF dự kiến chi phí điện năng bình quân cho các công nghệ sạch sẽ giảm 22-49% vào năm 2035.

Matthias Kimmel, Giám đốc kinh tế năng lượng tại BNEF cho biết Trung Quốc đang xuất khẩu công nghệ năng lượng xanh với giá rẻ đến mức phần còn lại của thế giới đang nghĩ đến việc dựng lên các rào cản để bảo vệ ngành công nghiệp của chính họ. Tuy nhiên, xu hướng chung về việc cắt giảm chi phí rất mạnh đến nỗi không ai, kể cả Tổng thống Trump, có thể ngăn chặn được.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo của họ về năng lượng tái tạo và điện khí hóa, trong khi hạ thấp dự báo của về nhiên liệu hóa thạch, khí thải và thu giữ carbon.

Nỗ lực phi carbon hóa vẫn tiếp tục, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm bất ổn kinh tế, nhu cầu năng lượng đang thay đổi và hạn chế về cơ sở hạ tầng. Khi các ngành công nghiệp thích ứng với bối cảnh thay đổi, một số xu hướng đang nổi lên sẽ định hình quỹ đạo của ngành. Từ sự thay đổi trong cán cân địa chính trị đến những đột phá trong công nghệ carbon thấp và ảnh hưởng ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo (AI), năm 2025 mang đến những cơ hội và rủi ro quan trọng cho các bên liên quan trên toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chi-phi-nang-luong-sach-tiep-tuc-giam-trong-nam-2025-96630.html