Chi hội trưởng Hội phụ nữ Trương Thị Cúc làm kinh tế giỏi
Phát huy thế mạnh về đặc điểm của vùng sản xuất ven biển, những năm qua, chị Trương Thị Cúc, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi dê nhốt chuồng và trồng rừng kết hợp thả nuôi cua biển, tôm luân canh. Hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 03-05 lần so với chi phí đầu tư...
Với hơn 02ha diện tích nuôi thủy sản, do hiệu quả trong nuôi tôm chuyên canh không cao và thường gặp rủi ro về dịch bệnh; từ năm 2015 đến nay, gia đình chị Trương Thị Cúc đã dành gần 0,5ha đất vuông nuôi tôm để trồng cây rừng (đước, mắm…) xen trong ao nuôi thủy sản. Với diện tích cây rừng trên đã tạo được môi trường ổn định, giảm nhiệt độ và xử lý nguồn nước… qua đó, liên tiếp hơn 05 năm nay, mô hình nuôi tôm, cua biển thả lan quảng canh đều đạt hiệu quả kinh tế.
Chị Trương Thị Cúc cho biết: trung bình mỗi năm, gia đình đầu tư khoảng 30 triệu đồng để thả nuôi 10.000 con cua biển giống và 20.000 con tôm sú. Việc thu hoạch cua và tôm theo hình thức bắt tỉa và thu nhập mang lại khoảng 120 - 130 triệu đồng/năm; đặc biệt là không xảy ra rủi ro.
Với diện tích rừng trồng xen trong vuông tôm và trên bờ trồng cỏ, gia đình chị Trương Thị Cúc còn tận dụng các lá cây rừng và cỏ để nuôi thêm đàn dê hơn 35 con (10 con dê sinh sản). Hàng năm, thu nhập từ đàn dê mang lại cho gia đình từ 80 - 100 triệu đồng.
Cũng theo chị Trương Thị Cúc, từ hiệu quả kinh tế của gia đình; với vai trò là Chi hội trưởng, bản thân cũng đã vận động và hướng dẫn các chị em, hội viên phát huy lợi thế của vùng đất ven biển trong tham gia phát triển nghề nuôi dê, thủy sản luân canh rừng - tôm, cua biển. Đến tháng 10/2024, trong chi hội phát triển 01 tổ vay vốn, 52 thành viên, với số tiền vay hơn 1,2 tỷ đồng để nuôi dê và thủy sản (cua biển, tôm)…