'Chỉ còn 12% người tiêu dùng xem thanh toán không tiền mặt là trở ngại'

Thông tin trên được bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ tại buổi khai mạc 'Lễ hội Không tiền mặt năm 2024' chiều ngày 14/6.

Việc sử dụng app ngân hàng khi thanh toán dần trở nên phổ biến.

Việc sử dụng app ngân hàng khi thanh toán dần trở nên phổ biến.

Trong khuôn khổ "Lễ hội Không tiền mặt năm 2024" diễn ra tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP HCM) từ ngày 14 đến 16/6, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng các đại biểu đã tham quan không gian của các tổ chức tài chính, trực tiếp trải nghiệm những công nghệ thanh toán hiện đại mà các đơn vị này mang đến.

Lễ hội lần này là sự kiện mô phỏng một xã hội không dùng tiền mặt thu nhỏ, giúp người dân trải nghiệm các công nghệ thanh toán, dịch vụ, mua bán không tiền mặt. Chương trình chú trọng việc hướng dẫn giao dịch, thanh toán không tiền mặt an toàn và khu vực bán hàng không tiền mặt dành cho các gian hàng ẩm thực.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nghe giới thiệu dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nghe giới thiệu dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: VGP

Thanh toán không tiền mặt là xu thế tất yếu

Tại lễ khai mạc lễ hội diễn ra vào chiều 14/6, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có những chia sẻ liên quan đến câu chuyện trong thúc đẩy giao dịch không tiền mặt an toàn.

Bà Thắng cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt giúp nâng cao hiệu quả thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy không tiền mặt, an toàn; lưu thông hàng hóa không tiền mặt, nâng cao quản lý Nhà nước trong hoạt động thuế…

Bà Thắng cho biết Bộ Công Thương có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến; ban hành khung pháp lý, tuyên truyền người dân khuyến khích thanh toán không tiền mặt qua sự kiện Tuần lễ không tiền mặt, Ngày mua sắm quốc gia; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng hạ tầng trong thanh toán không tiền mặt.

"Chỉ còn 12% người tiêu dùng xem thanh toán không tiền mặt là trở ngại nhỏ. Chứng tỏ hạ tầng thanh toán không tiền mặt hiện nay luôn sẵn sàng và thuận tiện với người tiêu dùng", bà Thắng nói.

Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện thúc đẩy và để người dân tin tưởng mua sắm không tiền mặt, bảo vệ tuyệt đối người tiêu dùng. Bởi thanh toán không tiền mặt vừa là xu thế tất yếu, vừa là động lực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không dùng tiền mặt

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Vụ Thanh toán, Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt".

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sự phát triển không ngừng của các hình thức, phương tiện thanh toán mới, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động… đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo minh bạch các hoạt động thanh toán phục vụ nhu cầu chi trả hàng ngày của toàn xã hội.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt đối với đời sống xã hội, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.

"Trước đây, kho bạc nào của chúng tôi cũng có kho chứa tiền, xe chở tiền và lực lượng bảo vệ để chở tiền; nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho để không, xe chở tiền bán đấu giá hết," Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.

Thông tin thêm tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết, đến nay, 100% bệnh viện công của TP HCM đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.

Đại diện NHNN cũng cho biết, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, ngành ngân hàng đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số để triển khai cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán không tiền mặt mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán, giao dịch tức thời của người dân, doanh nghiệp.

Đến hết 2023, Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Ngoài ra, số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động (Mobile) và QR Code cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, ngành ngân hàng cũng đang phải đối mặt với những rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu đồng nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng.

Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai, nhiều người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật.

Vì vậy, để ngăn chặn hoạt động lừa đảo trực tuyến, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) đang phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia để cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng, dự kiến ra mắt trong quý 3/2024.

Về phía NHNN, để nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không tiền mặt, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị trong ngành ngân hàng triển khai các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực bảo vệ khách hàng, phòng chống lừa đảo, gian lận trong hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh thảo luận chuyên đề, hội thảo còn có các hoạt động bên lề khác nhau như: Lễ hội không tiền mặt, cuộc thi hiến kế giao dịch an toàn, livestream bán hàng không tiền mặt, tháng khuyến mại tập trung không tiền mặt, tập huấn giao dịch không tiền mặt an toàn cho công nhân, tiểu thương, đi bộ hưởng ứng ngày không tiền mặt... Tất cả hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch, thanh toán không tiền mặt của người dân vừa tiện lợi vừa an toàn.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chi-con-12-nguoi-tieu-dung-xem-thanh-toan-khong-tien-mat-la-tro-ngai-post35708.html