Châu Âu dẫn dắt làn sóng 'thép xanh' nhờ thuế carbon mới

Sản xuất thép là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn nhất thế giới. Châu Âu đang tiên phong giải quyết vấn đề này bằng cách thúc đẩy các dự án 'thép xanh', tức thép được sản xuất từ các nguồn năng lượng sạch hơn. Đầu tư sản xuất thép xanh ở khu vực này đang tăng nhanh một phần là nhờ chính sách đánh thuế carbon những ngành công nghiệp có lượng phát thải khí nhà kính lớn.

Công ty khởi nghiệp H2 Green Steel (Thụy Điển) dự kiến bắt đầu sản xuất thép xanh vào cuối năm 2025. Công ty đã huy động được hơn 5 tỉ euro thông qua bán vốn cổ phần tư nhân và các nguồn nợ. Ảnh: fuelcellsworks

Công ty khởi nghiệp H2 Green Steel (Thụy Điển) dự kiến bắt đầu sản xuất thép xanh vào cuối năm 2025. Công ty đã huy động được hơn 5 tỉ euro thông qua bán vốn cổ phần tư nhân và các nguồn nợ. Ảnh: fuelcellsworks

Đến năm 2030, châu Âu dự kiến có gần 50 dự án thép carbon thấp, trong khi đó, con số này ở Mỹ chỉ là 2, theo dữ liệu của LeadIT, một nhóm tập hợp các nước và công ty cam kết đưa mức phát thải ròng carbon về mức zero (Net Zero)vào năm 2050.

“Chắc chắn sẽ có nhiều đầu tư hơn vào công suất thép xanh ở châu Âu, do khu vực này đánh thuế carbon (đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm). Về cơ bản, chính sách của Liên minh châu Âu (EU) được thiết kế để chi phí phát thải carbon tăng theo thời gian, khuyến khích những ngành gây ô nhiễm giảm số lượng chứng chỉ phát thải mà họ cần phải mua”, Colin Richardson, người đứng đầu ngành thép ở Argus Media, một công ty định giá hàng hóa, nói.

Một số nỗ lực thúc đẩy thép xanh ở EU được thúc đẩy bởi các chính sách như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đã bước vào giai đoạn áp dụng thử nghiệm kể từ đầu tháng 10. CBAM sẽ yêu cầu các nhà nhập khẩu trả thuế carbon đối với một số mặt hàng nhập khẩu có lượng phát thải cao trong quá trình sản xuất, bao gồm cả thép, nếu chúng đến từ những nước nơi khí thải không bị đánh thuế ở mức tương tự. Chứng chỉ phát thải carbon cấp miễn phí cho các nhà sản xuất thép của EU dần bị loại bỏ khi thuế biên giới carbon đối với thép nhập khẩu tăng dần.

Theo tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel, có trụ sở tại Brussels, cuối thập niên này, 25% nhu cầu thép của châu Âu sẽ được đáp ứng từ các nguồn cung thép carbon thấp. Tại Mỹ, các dự án tương tự chỉ cung cấp 10% nhu cầu thép vào năm 2030, theo nghiên cứu của Viện Rocky Mountain. Năm ngoái, châu Âu sản xuất 152 triệu tấn thép, trong khi Mỹ sản xuất 80 triệu tấn.

Ở châu Âu, nơi 57% thép được sản xuất trong lò cao đốt than và phần còn lại từ lò hồ quang điện, nhu cầu chuyển đổi thép carbon thấp lớn hơn. Ở Mỹ, tỷ lệ này là 30% từ lò cao đốt than và 70% từ lò hồ quang điện.

Nhưng vì hầu hết các nhà máy thép ở Mỹ đều vận hành bằng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, nên đầu tư chuyển đổi xanh của châu Âu sẽ giúp lục địa này vượt qua Mỹ trong lĩnh vực sản xuất thép carbon thấp.

“Môi trường chính sách ở châu Âu tiến bộ hơn nhiều”, Nicola Davidson, Phó chủ tịch phụ trách phát triển bền vững và truyền thông doanh nghiệp của ArcelorMittal (Luxembourg), nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, nhận xét tại một hội nghị gần đây ở London khi đề cập đến CBAM.

Nỗ lực làm sạch ngành công nghiệp thép đóng vai trò quan trọng để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, vì thép được sử dụng nhiều trong các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ngành công nghiệp thép chiếm 7% lượng khí thải carbon toàn cầu. Công nghệ sản xuất thép carbon thấp đã có sẵn, nhưng các doanh nghiệp liên quan cần phải tăng quy mô sản xuất để giảm chi phí. Đầu tư cho thép xanh ở châu Âu đang tăng nhanh nhờ chính sách đánh thuế carbon, quy định phát thải chặt chẽ hơn và nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng.

Nhu cầu từ người mua thép là động quan trọng để thúc đẩy đầu tư. Công ty khởi nghiệp H2 Green Steel (Thụy Điển) đã ký một loạt thỏa thuận cung cấp thép carbon thấp cho IKEA, Mercedes-Benz, BMW và Scania. Công ty cũng huy động được hơn 5 tỉ euro thông qua bán vốn cổ phần tư nhân và các nguồn nợ.

H2 Green Steel giảm lượng khí thải carbon bằng cách sử dụng thủy điện và năng lượng gió để cung cấp năng lượng cho quy trình sản xuất thép. Công ty dự kiến bắt đầu sản xuất thép xanh vào cuối năm 2025.

“Chúng tôi là một công ty không có bảng cân đối kế toán và không có thu nhập. Vậy làm thế nào chúng tôi huy động được 5,5 tỉ euro từ con số 0?”, Henrik Henriksson, CEO của H2 Green Steel, nói. Ông giải thích, khách hàng của H2 Green Steel sẵn sàng hỗ trợ dự án của công ty dựa trên các mục tiêu xanh của riêng họ cũng như xu hướng người tiêu dùng sẵn sàng mua các sản phẩm xanh với giá cao hơn.

Thép xanh cho phép các nhà sản xuất ô tô và những khách hàng doanh nghiệp khác giảm lượng khí thải nhà kính trong sản phẩm của họ. Gunnar Güthenke, người đứng đầu bộ phận mua sắm và giám sát chất lượng nhà cung cấp của Mercedes-Benz, cho rằng để đạt được mục tiêu Net Zero, việc khử cacbon trong chuỗi cung ứng thép của công ty là một đòn bẩy lớn.

“Nguồn thép xanh sẽ rất quan trọng để đạt được mục tiêu của Mercedes-Benz là tạo ra đội xe mới không phát thải carbon ròng vào năm 2039”, ông nói.

Tuy nhiên, thép carbon thấp sản xuất ở châu Âu sẽ có giá cao hơn. H2 Green Steel sẽ tăng giá thêm 150 đô la cho mỗi tấn thép, trong khi SSAB, nhà sản xuất thép xanh khác của Thụy Điển, dự kiến tăng giá gấp đôi con số đó. Tuy nhiên, giá thép xanh dự kiến giảm xuống khi quy mô sản xuất tăng lên.

Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) đang cung cấp các ưu đãi thuế rất lớn để khuyến khích hoạt động sản xuất thép có hàm lượng carbon thấp. Nghiên cứu của Viện Rocky Mountain cho thấy IRA sẽ thúc đẩy đầu tư vào thép xanh. Đến năm 2030, Mỹ sẽ sản xuất khoảng 8 triệu tấn thép carbon thấp, tương đương gần 10% nhu cầu thép của nước này.

Trong khi Mỹ và châu Âu là những nhà sản xuất thép quan trọng, hơn một nửa sản lượng thép thế giới đến từ Trung Quốc. Hiện tại, hơn 90% sản lượng của Trung Quốc sản xuất từ các lò cao đốt nhiên liệu hóa thạch, theo Worldsteel. Paul Lim, biên tập viên thép châu Á của Fastmarkets, dự báo tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm xuống 75% vào năm 2030, nghĩa là các hoạt động sản xuất thép từ lò cao đốt than và khí tự nhiên vẫn chiếm ưu thế ở Trung Quốc. Ông cho rằng tính kinh tế của các lò cao đốt nhiên liệu hóa thạch khiến chúng vẫn là lựa chọn hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất cho các nhà sản xuất.

“Trung Quốc sẽ không chuyển đổi khỏi các lò cao đốt nhiên liệu hóa thạch trong thời gian dài”, Lim nhận định.

Theo WSJ

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chau-au-dan-dat-lan-song-thep-xanh-nho-thue-carbon-moi/