Châu Á hướng tới protein thay thế thịt

Theo nhận định trong một báo cáo mới đây của tổ chức Asia Research Engagement (ARE - Singapore), châu Á muốn giải bài toán biến đổi khí hậu thì chìa khóa có thể nằm ở việc giảm tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ sữa, cụ thể hơn là chuyển sang các nguồn protein từ thực vật, từ nuôi cấy và các nguồn khác trước năm 2030.

Theo kênh CNBC, báo cáo trên cho rằng đến năm 2060, các nguồn protein thay thế ở Đông Nam Á và các nước châu Á - Thái Bình Dương khác cần chiếm hơn phân nửa lượng protein sản xuất ra. Chăn nuôi gia súc quy mô lớn được xem là hoạt động phát thải cực lớn, tiêu tốn nhiều đất đai, nước, kháng sinh...; kèm theo đó là nạn phá rừng - để trồng các loại cây cho thú nuôi ăn và lấy đất dựng nông trại mới - và hủy hoại đa dạng sinh thái.

Tình hình càng đặc biệt nghiêm trọng ở các nước châu Á bởi châu lục này cung cấp hơn phân nửa nguồn protein động vật của thế giới. Thêm vào đó, một số nước châu Á - Thái Bình Dương đang tăng dân số rất nhanh, đẩy lượng thịt tiêu thụ lên cao, như Úc, Trung Quốc thuộc nhóm tiêu thụ thịt lớn nhất. "Đây là vấn đề kéo theo nhiều hệ lụy. Một phần lớn đậu nành dùng trong chăn nuôi ở châu Á được nhập khẩu từ Brazil, Argentina và Paraguay" - ông Mirte Gosker, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức The Good Food Institute, nói với CNBC.

Thịt nhân tạo của hãng TissenBioFram (Hàn Quốc) Ảnh: TISSENBIOFRAM

Thịt nhân tạo của hãng TissenBioFram (Hàn Quốc) Ảnh: TISSENBIOFRAM

Trong một báo cáo hồi tháng 7 vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho rằng có thể tháo gỡ những vướng mắc nêu trên một cách hiệu quả nhờ vào các loại protein thay thế từ thực vật (nấm, tảo, mít, đậu nành và các loại đậu...), từ nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (hay còn gọi là thịt nhân tạo) và các nguồn khác (như côn trùng, hải sản…).

Tiềm năng của các loại protein thay thế hiển nhiên thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư. Theo tính toán của The Good Food Institute, vốn rót vào lĩnh vực này đã tăng mạnh từ 1 tỉ USD của năm 2019 lên 5 tỉ USD năm 2021. Riêng tại châu Á, hãng Statista cho biết thị trường các sản phẩm thay thế thịt hiện được định giá 4,32 tỉ USD, với tăng trưởng hằng năm có thể hơn 33% và đạt 13,63 tỉ USD vào năm 2027.

Cuộc cạnh tranh cũng sôi động không kém tại Đông Nam Á. Chẳng hạn, Công ty CP Foods của Thái Lan đang mở rộng thị trường sang Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) cho thương hiệu thịt có nguồn gốc thực vật Meat Zero. Chính sách quốc gia, chiến lược doanh nghiệp, tài chính đa phương - cả 3 yếu tố cần thiết để phát triển các nguồn protein thay thế - dường như đã sẵn sàng. Ẩn số còn lại chính là khẩu vị người tiêu dùng. Báo cáo của ARE chỉ ra dù đậu hũ, tương nén, mì căn… từ lâu đã là món ăn quen thuộc của người châu Á nhưng họ lại chưa quen với việc xem chúng là thực phẩm thay thế thịt. Tuy nhiên, TS Simon Eassom, Giám đốc điều hành của tổ chức Food Frontier, đánh giá: "Những lo ngại về sức khỏe, môi trường và an toàn khiến nhiều người quan tâm đến chế độ ăn uống linh hoạt, tức thay thế thịt động vật bằng thịt có nguồn gốc thực vật mà vẫn bảo đảm giá trị dinh dưỡng".

Một lưu ý khác đến từ bà Michelle Huang, nhà phân tích tại ngân hàng Rabobank (Hà Lan), đó là sản xuất các loại thực phẩm an toàn với khí hậu cũng cần năng lượng, chẳng hạn tổng hợp thịt trong phòng thí nghiệm vẫn tốn điện. Do đó, hoạt động sản xuất này cần dựa vào năng lượng tái tạo để bảo đảm mức độ bền vững. Ngoài ra, bà Huang nêu ý kiến rằng bên cạnh việc mở đường cho các nguồn protein thay thế, không nên quên khuyến khích các phương thức sản xuất sữa và chăn nuôi bền vững. Ngày càng nhiều công ty trong lĩnh vực này đầu tư nhiều hơn để làm giảm phát thải carbon, chẳng hạn tận dụng phân bò để sản xuất điện.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/chau-a-huong-toi-protein-thay-the-thit-20230824212030246.htm