Chấp nhận chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đã cấp trước 22/5/2021
Năm 2011, bà Nguyễn Mai được tuyển dụng vào vị trí giáo viên Tin học tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Bà có bằng cao đẳng công nghệ thông tin và chứng chỉ sư phạm bậc 1 do Trường ĐHSP Hà Nội 2 cấp theo Quyết định số 1672 ngày 18/8/1992 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành chương trình bồi dưỡng sư phạm bậc 1.
Năm 2019, bà Mai học liên thông và có bằng đại học công nghệ thông tin. Tháng 4/2021, bà làm hồ sơ chuyển hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III cũ sang hạng III mới. Tháng 11/2021, Sở Nội vụ yêu cầu bà bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và cho biết chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1 của bà không phù hợp.
Bà Mai hỏi, bà có phải học lại chứng chỉ sư phạm theo Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT không? Tại sao chứng chỉ sư phạm cũ của bà lại không phù hợp trong khi bà đã giảng dạy 10 năm? Nếu phải học lại chứng chỉ sư phạm theo Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT sẽ gây tốn kém về tiền bạc, thời gian và thiệt thòi cho những giáo viên như bà khi Sở Nội vụ không cho bà chuyển từ hạng III cũ sang hạng III mới vì chứng chỉ sư phạm cũ không phù hợp.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Ngày 27/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 336/BGDĐT-NGCBQLGD về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Theo đó, để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên đã có nhiều năm công tác trong việc bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương chấp nhận các loại chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã cấp cho các giáo viên trước ngày 22/5/2021.
Vì vậy, trường hợp bà Nguyễn Mai có bằng tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1 được xác định là đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên trung học cơ sở.