Chăm sóc sức khỏe lao động nữ tại các khu công nghiệp

Các khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập tại nhiều địa phương đã thu hút đông lực lượng nữ công nhân. Nhu cầu về thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng của họ rất lớn. Để nâng cao chất lượng đội ngũ lao động đáp ứng quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, đòi hỏi các ngành, các cấp liên quan cần có cách tiếp cận đặc thù và giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhóm đối tượng này.

Công nhân nữ làm việc tại cơ sở sản xuất thuộc Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội (Hanosimex).

Công nhân nữ làm việc tại cơ sở sản xuất thuộc Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội (Hanosimex).

Theo số liệu thống kê, cả nước có hơn 400 khu công nghiệp, trong đó có bốn khu chế xuất, với hàng triệu lao động, trong đó số lượng công nhân, người lao động nữ giới đang làm việc tại khu vực này chiếm tỷ lệ khá lớn.

Vẫn còn khoảng trống

Trong 1.800 người lao động đang tham gia sản xuất tại các đơn vị trực thuộc của Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội (Hanosimex) thì nữ lao động chiếm hơn 70%.

Theo Giám đốc điều hành, Chủ tịch Công đoàn Hanosimex Đặng Ngọc Quân, cũng như rất nhiều đơn vị trong ngành dệt may, lực lượng lao động các đơn vị trực thuộc Tổng công ty chủ yếu là nữ và đang trong độ tuổi sinh sản.

Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, nhất là tuân thủ các quy định của Luật Lao động, của Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cùng yêu cầu của các nhà nhập khẩu đến từ Mỹ, Australia..., hằng năm, người lao động tại các đơn vị của Tổng công ty đều được khám sức khỏe định kỳ; khám bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp lao động tiếp xúc với yếu tố có gây hại bệnh nghề nghiệp. Riêng đối với nữ lao động sẽ được khám chuyên khoa liên sàng lọc ung thư tử cung, sàng lọc ung thư vú…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác này, các doanh nghiệp và người lao động còn gặp một số khó khăn về thời gian, nguồn tài chính… Đặc biệt, tâm lý e ngại đã khiến nhiều nữ lao động chưa đề cao ý thức trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chính bản thân.

Thời gian qua, mặc dù Nhà nước, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho người lao động, nhưng thực tế cho thấy hiện nay, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động vẫn còn có những khoảng trống.

Theo báo cáo khảo sát tình hình việc làm, thu nhập, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động năm 2024 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện cho thấy, có 43,3% số người lao động thường tự mua thuốc để điều trị khi ốm đau, chỉ khi bệnh trở nặng mới tìm đến cơ sở y tế. Trong khi đó, 19,9% số người lao động được hỏi đã từng khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế trong năm qua và 5% phải nhập viện điều trị do bệnh nặng… Điều này cho thấy, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người lao động chưa tốt.

Lao động nữ tại Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam. (Ảnh TTXVN)

Lao động nữ tại Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam. (Ảnh TTXVN)

Một trong những nguyên nhân khiến người lao động ít sử dụng dịch vụ y tế là do hạn chế về thời gian. Hầu hết các cơ sở y tế chỉ tiếp nhận khám bảo hiểm y tế cho công nhân là trong giờ hành chính, trong khi công nhân, lao động thường ở doanh nghiệp từ 11 đến 12 tiếng/ngày (tính cả tăng ca).

Việc xin nghỉ để đi khám bệnh trong giờ hành chính khá khó khăn vì ảnh hưởng đến năng suất lao động và tính lương chuyên cần. Mặc dù được khám sức khỏe định kỳ đầy đủ, nhưng các nội dung, danh mục khám còn khá sơ sài, không có các hạng mục khám chuyên sâu. Điều này khiến người lao động khó phát hiện sớm các bệnh nan y, nhất là bệnh nghề nghiệp.

Theo Cục trưởng Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) Đinh Anh Tuấn, công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là lực lượng lao động tham gia sản xuất thuộc các lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử… có số lượng nữ lao động chiếm khoảng hơn 60%. Công nhân, lao động tại khu vực này phần lớn là những người di cư nên không có điều kiện sinh hoạt ổn định, thường phải ở các khu nhà trọ; thời gian và cường độ lao động căng thẳng, theo ca, kíp, khiến họ khó tiếp cận được các thông tin cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung và dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói riêng. Một bộ phận không nhỏ công nhân, lao động còn trẻ, chưa được chuẩn bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi bước vào cuộc sống tự lập như: Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục; mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn...

Trong khi đó, cho dù hệ thống y tế tại các địa phương đã có những cố gắng trong việc đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động, song nguồn lực hạn hẹp, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế; mạng lưới cơ sở cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương thường xa nơi người lao động làm việc; thời gian cung cấp dịch vụ lại theo giờ hành chính, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Đây là những khoảng trống khá lớn trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lực lượng nữ lao động nói riêng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương.

Rà soát, bổ sung chính sách, dịch vụ

Trước nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cho người lao động nữ ngày càng gia tăng, ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Y tế ban hành Quyết định số 2899/QĐ-BYT phê duyệt đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”, với mục tiêu đến năm 2030: Có 80% số cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập có đủ năng lực tổ chức thực hiện tư vấn và cung cấp các gói dịch vụ cơ bản trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. 90% số công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bao gồm các dịch vụ dự phòng, sàng lọc các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư đường sinh sản. 90% số doanh nghiệp phối hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức truyền thông, tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp điều kiện và thời gian làm việc của công nhân, lao động...

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề án đề ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, trước hết, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần tập trung tiếp tục rà soát, xây dựng và đề xuất bổ sung các chính sách liên quan lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ-trẻ em trong hệ thống pháp luật. Các đơn vị chức năng cần tổ chức đào tạo lại và đào tạo mới cho cán bộ y tế, kể cả người làm công tác y tế trong các doanh nghiệp và cán bộ công đoàn các cấp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất về tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động. Cần xây dựng danh mục trang thiết bị, vật tư phục vụ tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ tại khu vực này.

Bộ Y tế đề nghị các sở y tế tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sớm xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện đề án tại địa phương; phối hợp liên đoàn lao động các cấp, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tổ chức các hoạt động phối hợp giữa các bên liên quan (bao gồm nhà cung cấp dịch vụ y tế, đại diện doanh nghiệp, đại diện người lao động) để vận động nguồn lực xây dựng và thực hiện chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất các đơn vị thực hiện việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định; đề xuất khám chuyên sâu cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.

Ngành y tế phối hợp chặt chẽ các ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức tư vấn, kết hợp với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động phù hợp điều kiện sinh hoạt, thời gian làm việc của người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương chia sẻ: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn về công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Đơn vị sẽ xây dựng các tài liệu, chương trình đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, năng lực truyền thông về công tác an toàn, vệ sinh lao động, y tế lao động, bảo đảm dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn ca, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, nhất là nữ lao động; nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng tập thể về thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn, để họ trao đổi, đề xuất với doanh nghiệp phân công công việc hợp lý theo tình trạng sức khỏe của người lao động tránh việc để người lao động làm việc quá sức, quá tải ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất các đơn vị thực hiện việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định; đề xuất khám chuyên sâu cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.

Đặc biệt, quan tâm và nâng cao sức khỏe, giảm tình trạng mắc các bệnh về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của người lao động thông qua việc thực hiện các mô hình tư vấn và cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản. Cần nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo của công đoàn các cấp trong việc phát hiện, quản lý nguy cơ rủi ro và cải thiện điều kiện làm việc nhằm giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.

TRUNG TUYẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cham-soc-suc-khoe-lao-dong-nu-tai-cac-khu-cong-nghiep-post874780.html