CEO Dat Bike nói về cách sống sót qua 'mùa đông gọi vốn', đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 10 lần/năm
Lần mở fanpage của Dat Bike, không khó để bắt gặp những sản phẩm truyền thông về khả năng leo dốc của xe máy điện. Giữa 'mùa đông gọi vốn', Dat Bike cho thấy khả năng 'leo dốc' của mình trong giới startup Việt.
Tháng 11/2022, Dat Bike công bố gọi vốn thành công thêm 8 triệu USD từ các quỹ đầu tư được dẫn dắt bởi Jungle Ventures, qua đó nâng tổng số vốn mà startup xe máy điện này huy động được lên con số 16,5 triệu USD.
Dat Bike được thành lập từ năm 2019, bởi ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn - một kỹ sư phần mềm từng làm việc tại Thung lũng Silicon. Dat Bike là trường hợp hiếm hoi gọi vốn thành công trong 'mùa đông gọi vốn' đang bao trùm giới startup Việt.
Tại phiên thảo luận tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn – nhà sáng lập kiêm CEO Dat Bike – đã chia sẻ về cách thức startup này ứng biến linh hoạt và vượt qua thách thức trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.
Theo đó, Dat Bike không bị sức ép về ngắn hạn và đang tăng trưởng đều, song doanh nghiệp này vẫn luôn thận trọng quan sát thị trường.
"Hầu hết các công ty khởi nghiệp (startup) đều muốn thay đổi thế giới bằng một cách nào đó (thông qua các mục tiêu dài hạn), tuy nhiên, tài nguyên, nguồn lực là những yếu tố hữu hạn nên trong thời kỳ khó khăn, các doanh nghiệp cần lựa chọn ưu tiên mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn", ông Sơn nói.
Động cơ điện 'Made in Vietnam'?
Theo CEO Dat Bike, cách để tạo sự cân bằng giữa cái ngắn hạn và dài hạn là chỉ xử lý những vấn đề ngắn hạn đủ để doanh nghiệp sống sót, sau đó dồn mọi nguồn lực còn lại cho mục tiêu dài hạn.
Cụ thể, với những dự án đầu tư dài hạn được ví như ‘hái sao trên trời’, ông sẽ chấp nhận kéo dãn tiến độ thực hiện để có nguồn lực xử lý vấn đề ngắn hạn trước mắt, đơn cử như dự án phát triển động cơ điện hoàn toàn sản xuất ở Việt Nam với thiết kế riêng của Dat Bike.
Ông Sơn cho biết, động cơ cho xe máy điện là chi tiết duy nhất mà Dat Bike vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Theo đó, nếu có thể tự chủ được hoàn toàn khâu sản xuất sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Dat Bike trong dài hạn. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế còn khó khăn, ông Sơn nói rằng dự án này không thể thực hiện được trong năm 2023 như kế hoạch.
Nhà sáng lập Dat Bike cũng chia sẻ về kế hoạch cho ra mắt những mẫu xe có thể mang lại tăng trưởng gấp 10 lần cho công ty.
"Trên thực tế, trong 2 năm 2021 và 2022, Dat Bike đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng gấp 10 lần năm trước", ông Sơn nói. Tuy nhiên, theo CEO Dat Bike, để đạt được mục tiêu thay đổi thế giới từ xe xăng sang xe điện, startup này cần vài lần tăng trưởng gấp 10 lần như thế.
“Lợi nhuận chưa bao giờ là ưu tiên số một của Dat Bike. Với mục tiêu muốn thay đổi thế giới thì lợi nhuận trong ngắn hạn không phải điều quá quan trọng. Nhưng từng chiếc xe bán ra vẫn phải có lời, để minh chứng mô hình kinh doanh này hiệu quả”, ông Sơn khẳng định.
Về quá trình gọi vốn, tất cả số vốn từ trước đến nay của Dat Bike, từ 200.000 USD đến vài triệu USD, đều để tập trung vào hai việc là nghiên cứu sản phẩm tốt hơn và nâng cao quy mô sản xuất, tiếp cận khách hàng.
Khi cân nhắc gọi vốn thêm, ngoài vấn đề bị giảm định giá (down-round), doanh nghiệp cần xem xét rằng việc này có làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhà đầu tư cũng như mối quan hệ giữa startup với nhà đầu tư hay không?
“Tôi thấy một số startup thay vì chấp nhận giảm định giá, họ lại chọn tạo giá trị ngắn hạn, chuyển hướng sang làm việc khác để kiếm tiền. Nhưng sự lựa chọn này cần phải tính toán kỹ vì chi phí cơ hội là rất lớn, có thể ảnh hưởng lớn đến con đường dài hạn của công ty”, nhà sáng lập Dat Bike chia sẻ./.