Câu chuyện thứ bốn mốt: Quân đội đã cho tôi gia đình thứ hai

Tôi sinh ra ở miền quê nghèo huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Năm 3 tuổi, mẹ tôi mất, bố đi làm ăn xa nên 2 anh em tôi được ông bà nội nuôi nấng. Thương bà, anh em tôi luôn cố gắng học thật giỏi.

Tôi học khối C nên đọc rất nhiều sách, trong đó có những tác phẩm văn học cách mạng, do đó hình ảnh người lính đã in trong trong tâm trí tôi. Bởi vậy mà khi được xét tuyển thẳng vào đại học, tôi không ngần ngại ghi danh vào Học viện Biên phòng. Ông bà tôi cũng ủng hộ quyết định ấy vì tin rằng tôi sẽ trưởng thành hơn trong môi trường quân ngũ cũng như sau này sẽ giúp đỡ được nhiều người. Sau nhiều năm công tác, tôi thấy rằng đó là quyết định sáng suốt, đúng đắn nhất của tôi.

Ra trường, tôi nhận công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế). Nói là cửa khẩu nhưng đồn đóng quân ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, nơi có hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong điều kiện kinh tế, dân trí còn thấp. Tuy nhiên, tôi không ngại vì hiểu rằng, Bộ đội Biên phòng phải luôn là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân. Đến với vùng cao biên giới, với đồng bào dân tộc thiểu số tôi mang theo kiến thức đã học được ở trường và bài học nằm lòng “Đồn là nhà, biên giới là biên cương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Thượng úy Phạm Thái Sơn (bên trái) có nhiều tham mưu cho chỉ huy đơn vị trong việc giúp đỡ những gia đình khó khăn, người có công với cách mạng trên địa bàn.

Là đội trưởng Đội Vận động quần chúng, thời gian của tôi gắn với địa bàn, với nhân dân. Nhìn các ông bà già, tôi nhớ bà nội tôi nơi “chín suối”, nhớ ông nội tôi nơi quê nhà. Biết vợ chồng ông Quỳnh Xăng (thôn Tà Lo A Hố, xã Hồng Vân) tuy đã cao tuổi nhưng phải nuôi người con bị thiểu năng trí tuệ, tôi thương lắm. Thấy ông bà làm chổi đót bán, tôi đã đăng lên mạng bán giúp ông bà. Tôi cũng tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ để đi giao hàng giúp. Nhiều lần ông bà cầm tay, xúc động gọi tôi bằng con.

Bản thân mồ côi mẹ, tôi thấu hiểu những thiệt thòi mà đứa trẻ mồ côi trải qua, bởi vậy, tôi rất tích cực thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường-Con nuôi Đồn Biên phòng” của đơn vị. Hiện nay, đơn vị tôi nhận đỡ đầu cho 3 học sinh đều là trẻ mồ côi cha đang theo học tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hồng Vân. Tôi dành mọi tình cảm, trách nhiệm của mình để chăm lo cho các cháu, vận động mọi người để các con nuôi có cơ hội phát triển bản thân. Thật mừng là cả 3 cháu năm học vừa rồi đều đạt học lực khá, giỏi.

Tôi cũng như cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị không chỉ kêu gọi tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm mà còn tặng cây, con giống để giúp người dân phát triển kinh tế. Tình cảm chân thành, việc làm thực tế nên chúng tôi luôn được đồng bào yêu mến. Vui nhất là chúng tôi trở thành những tấm gương để lớp trẻ phấn đấu. Ở thôn A Niêng Lê Triêng 1 (xã Trung Sơn, huyện A Lưới) có Hồ Minh Quân, vì cảm mến chúng tôi mà luôn nỗ lực, cố gắng để có thể thi đỗ vào Học viện Biên phòng. Đợt nhập ngũ vừa qua, cũng có nhiều thanh niên Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều trên địa bàn đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Các em cũng như chúng tôi muốn được phục vụ cho Tổ quốc, cho quê hương và cho nhân dân.

Thượng úy PHẠM THÁI SƠN, Đội trưởng Vận động Quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cau-chuyen-thu-bon-mot-quan-doi-da-cho-toi-gia-dinh-thu-hai-719486