Cấp thiết di dời 36 hộ dân xóm Xuân Tiến đến nơi an toàn
Khi mùa mưa bão đến, 36 hộ dân xóm Xuân Tiến, xã Xăm Khòe (Mai Châu) sinh sống dọc theo suối Xia lại nơm nớp nỗi lo âu. Khu vực
Khi mùa mưa bão đến, 36 hộ dân xóm Xuân Tiến, xã Xăm Khòe (Mai Châu) sinh sống dọc theo suối Xia lại nơm nớp nỗi lo âu. Khu vực "rốn lũ” này thường xuyên nằm trong tình trạng báo động trong mùa mưa bão khi nước lũ đổ dồn từ thượng nguồn gây đảo lộn đời sống, thiệt hại tài sản và hoa màu của nhân dân. Người dân mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn, yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.
Theo chia sẻ của một số người dân, các đợt mưa lũ năm 2016 - 2018 đã gây thiệt hại nặng nề, đến nay vẫn chưa thể khắc phục hậu quả. Khảo sát thực tế khu vực suối Xia, tại hộ ông Nguyễn Thanh Phương, nước lũ đổ về khiến đất, đá bồi lấp; nhà cửa, hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn, hộ ông Phương đã di chuyển đến nơi ở mới từ năm 2019. Toàn bộ diện tích đất tại khu vực dọc suối Xia gia đình bỏ hoang hoặc sử dụng để tăng gia sản xuất. Ông Phương chia sẻ: Vào mùa mưa, nước lũ dồn từ thượng nguồn về tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét. Mực nước dâng cao gây ngập úng, hư hỏng nhiều tài sản có giá trị của gia đình. Nếu còn ở lại đây tâm lý lúc nào cũng bất an, lo sợ. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng việc di dời là rất cấp thiết để đảm bảo an toàn tính mạng cho các thành viên trong gia đình.
Suối Xia được hình thành và bắt nguồn từ xã Cun Pheo, chảy qua địa bàn các xã Bao La, Xăm Khòe, Mai Hịch… Tại xóm Xuân Tiến, dòng suối trải dài 1,7 km, đe dọa trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của 36 hộ dân. Vào mùa khô, độ sâu trung bình của suối Xia chỉ khoảng 3m, bề ngang rộng chừng 30 - 35m. Tuy nhiên, thời điểm mưa lớn kéo dài từ tháng 6 - 10 hàng năm, suối Xia trở thành dòng lũ dữ với dòng nước chảy xiết, mực nước sâu gần 20m. Nếu mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày có thể đạt đỉnh khoảng 27m. Cao điểm nhất trong giai đoạn 2016 - 2018, mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng cục bộ, nước tràn ra các tuyến đường giao thông liên xã, liên xóm gây ách tắc giao thông; nhiều căn nhà ngập trong biển nước. Đặc biệt nguy hiểm khi mưa lớn kéo dài về ban đêm, nước lũ đổ dồn bất ngờ khiến nhiều người dân không kịp trở tay. Ngoài ra, tại khu vực này trước đây đã xảy ra các vụ tai nạn thương tích, đuối nước khiến 3 người tử vong. Trung bình hàng năm có từ 4 - 5 trận lũ từ thượng nguồn đổ về đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn. Vào mùa mưa bão, trên 3.000m2 đất trồng lúa đều bị ngập úng. Nhiều nhà cửa, công trình phụ trợ bị nước lũ cuốn trôi… Ông Mai Minh Chính, hộ chăn nuôi nhím ở xóm Xuân Tiến trăn trở: "Nước lũ đổ về quá nhanh, việc di dời đàn nhím trên 50 con là không thể. Gia đình phải sử dụng tre, luồng và quây lưới B40 để giảm tối đa tình trạng nước lũ cuốn trôi”.
Xác định những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống thiên tai, xóm thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó, phòng ngừa. Ban quản lý xóm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trước mùa mưa bão chủ động gia cố nhà cửa, hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Khi xảy ra thiên tai thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”. Huy động 7 tổ liên gia trên địa bàn xóm tham gia ứng cứu, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Ông Bùi Văn Đảm, Trưởng xóm Xuân Tiến, xã Xăm Khòe cho biết: "Tại các buổi họp xóm, tiếp xúc cử tri, nhân dân đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, xây dựng các công trình hạ tầng nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở hai bên bờ suối, đảm bảo an toàn cho các hộ vùng nguy hiểm và hộ dân sinh sống trên tỉnh lộ 439. Khơi thông dòng chảy để đảm bảo tiêu thoát lũ, tránh tình trạng ngập úng cục bộ. Huy động các nguồn lực để di dời hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn. Từ đó tạo tâm lý ổn định cho nhân dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế”.