Cao điểm phòng chống dịch COVID-19, chống buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam

Các đơn vị của bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường các tỉnh biên giới giáp Campuchia đã lên kế hoạch tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn người vượt biên trái phép, vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chống buôn lậu.

Lực lượng chức năng bắt giữ vụ buôn lậu 100 tấn đường cát ở An Giang. Ảnh: Báo Thanh niên

Từ nay đến Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp, vì thế, theo Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang, BĐBP tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, chốt chặn trên biên giới.

Dọc theo 100 km đường biên giới, các tổ chốt dã chiến tuần tra, kiểm soát liên tục 24/24 giờ, vừa làm công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa chống buôn lậu. Chỉ riêng 9,2 km đường biên giới ở Tịnh Biên đã có 22 tổ chốt, với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, cùng các lực lượng có liên quan thường xuyên túc trực, từ tổ chốt này có thể nhìn thấy tổ chốt kế tiếp.

Ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, cho biết, tuy hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cơ bản đã được kiềm chế, giảm sâu, nhưng tùy vào từng địa bàn, thời điểm, vẫn còn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, các đầu nậu còn thuê đối tượng nghiện ma túy, người không có giấy phép lái ô tô, sử dụng biển kiểm soát ô tô giả để chở hàng lậu. Nhóm đối tượng này rất liều lĩnh, thường sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện chạy tốc độ cao vận chuyển hàng lậu và rất manh động khi bị lực lượng chức năng ngăn chặn, bắt giữ.

Không những thế, tại các địa bàn biên giới đang có tình trạng vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng lên vài chục kg. Do các thủ đoạn như cất trong người, ngụy trang trong các gói trà hút chân không, mang theo trong ba lô, túi xách… đã bị lộ, nên các đối tượng có xu hướng chuyển sang vận chuyển ma túy bằng các phương tiện đường sông, đường bộ được gia cố, hay trà trộn trong các hàng hóa thông thường khác để qua cửa khẩu chính, đường mòn, cánh gà cửa khẩu, ban đêm, giữa sông... Chính vì thế, hải quan các tỉnh biên giới đang triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này.

Hay trước thực trạng các đối tượng sử dụng hồ sơ nhập khẩu chính ngạch quay vòng ngụy trang cho đường nhập lậu trên tuyến biên giới An Giang, lãnh đạo Cục Hải quan An Giang yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra C/O, xem xét tính hợp lệ của C/O. Về mặt thủ tục nhập khẩu mặt hàng đường cát, yêu cầu các chi cục phải đảm bảo về mặt trình tự thủ tục, xem xét C/O doanh nghiệp cung cấp có phù hợp với bộ chứng từ không.

Song song với công tác chống buôn lậu, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm...

BĐBP các tỉnh biên giới Tây Nam chủ động thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, chống buôn lậu, vừa tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Báo Lao động

Không một giây lơ là nhiệm vụ phòng, chống COVID-19

Đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang chia sẻ, khác với những năm trước kia, năm nay, trong kế hoạch cao điểm chống buôn lậu thời điểm cuối năm, các đơn vị BĐBP tuyến biên giới Tây Nam đều xác định, phải tăng cường, chủ động thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, chống buôn lậu, vừa tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời tăng cường quản lý chặt người và phương tiện qua lại biên giới để ngăn chặn việc lây nhiễm dịch bệnh. Có kế hoạch đấu tranh, triệt phá hiệu quả các loại tội phạm. Không để tình trạng buôn lậu gia tăng hoặc hình thành “điểm nóng”, phức tạp trên địa bàn.

Tương tự, xác định tuyến biên giới đường bộ, đặc biệt tại địa bàn các cửa khẩu biên giới An Giang tiếp giáp với Campuchia có nguy cơ tiềm ẩn cao, ngoài tập trung công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp quản lý chặt người và phương tiện qua lại biên giới để ngăn chặn việc lây nhiễm COVID-19.

Còn ở Đồng Tháp, năm nay do dịch COVID-19, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, do đó, hoạt động buôn lậu giảm nhiều hơn so với thời gian trước đó. Tuy nhiên, theo BCĐ 389 tỉnh Đồng Tháp, hiện nay tại khu vực biên giới Campuchia, người dân nhập cảnh trái phép bằng phương tiện thủy trên các tuyến sông diễn biến phức tạp, nhất là khu vực sông Tiền thuộc xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự.

Trước tình hình trên, các lực lượng tại cửa khẩu đã tăng cường phối hợp tổ chức tuần tra kiểm soát, ngăn chặn người vượt biên trái phép, vi phạm phòng, chống dịch bệnh. Chỉ trong 2 tháng qua, tại khu vực biên giới sông Tiền thuộc thủy phận xã Thường Phước 1, BĐBP đã phát hiện đuổi bắt và ngăn chặn không cho nhập cảnh trái phép trên 100 người.

BĐBP cũng phối hợp chặt chẽ với công an, hải quan của khẩu tăng cường lực lượng tại các điểm chốt chặn...

BT (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/cao-diem-phong-chong-dich-covid19-chong-buon-lau-tren-tuyen-bien-gioi-tay-nam/417505.vgp