Cận cảnh Khu kinh tế Nhơn Hội - Bình Định sau gần 20 năm thành lập.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh, ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định tỏ ra lo ngại việc thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội không đạt kết quả như kỳ vọng, nếu muốn vươn lên tốp đầu khu vực miền Trung, tỉnh cần tính toán lại.
“Gần 20 năm thành lập, KKT Nhơn Hội với biết bao nhiêu ấp ủ, kỳ vọng, đến nay vẫn là 1 bãi cát mênh mông, đi từ "đầu nọ đến đầu kia, chỉ có vài dự án”, ông Hồ Quốc Dũng trăn trở.
Cách trung tâm TP Quy Nhơn bởi cây cầu Thị Nại nổi tiếng, KKT Nhơn Hội thành lập năm 2005 với diện tích 12.000 ha.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể KKT Nhơn Hội đến năm 2040, mở rộng thêm 2.308 ha tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Nâng tổng cộng diện tích khu kinh tế này lên 14.000 ha, được kỳ vọng là cực tăng trưởng kinh tế chung của Bình Định.
KKT Nhơn Hội có 8 phân khu chức năng, trong đó hoàn thành 6 quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch chi tiết của các dự án thứ cấp, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư.
Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định để tránh hậu quả môi trường, ảnh hưởng sinh kế của người dân về sau nên đã từ chối một siêu dự án với tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD về lọc hóa dầu. Và từ đó đến nay, sau gần 20 năm Khu kinh tế Nhơn Hội vẫn là bãi cát hoang hóa với lác đác vài dự án, thu hút đầu tư chưa xứng tầm.
Nhiều dự án trong lĩnh vực du lịch, thương mại dịch vụ và xây dựng khu đô thị tạm ngừng triển khai hoặc triển khai cầm chừng. Công tác thu hút đầu tư các dự án thông qua đấu giá, đấu thầu gặp nhiều khó khăn.
Tại KKT Nhơn Hội, đang có 6 dự án khu đô thị liên quan đến đất ở. Các khu đô thị hầu như đã đầu tư cơ bản xong hạ tầng đường giao thông nhưng chưa có trường học, công viên, trạm y tế…, hiện đang rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng giữa cát trắng.
Theo ghi nhận tại KKT Nhơn Hội ở thời điểm hiện tại, duy nhất 1 ngôi nhà giữa khu đô thị mênh mông.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, hiện Khu kinh tế Nhơn Hội có gần 130 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 132.000 tỷ đồng, vốn đã thực hiện đạt gần 38.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đi vào hoạt động đã tạo nguồn thu tích cực cho ngân sách tỉnh.
Tại khu hiện hữu 12.000ha, hạ tầng kỹ thuật và các đường trục trong trung tâm khu kinh tế được đầu tư hiện đại. Tuy nhiên, dọc đường trục chính từ thành phố Quy Nhơn về thị trấn Cát Tiến, số lượng nhà máy, xí nghiệp thưa thớt.
Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chia sẻ thêm: "Nếu nói mà không làm được, thì không hay. Đất mênh mông nhưng không có nhà đầu tư bao nhiêu. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đụng chỗ nào, vướng chỗ đó"
Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, có đến 12 dự án chậm triển khai (đã hết thời hạn nhưng chưa thi công hoàn thành).
Cụ thể: Khu Vui chơi Phú Hậu có mức đầu tư 397 tỷ đồng; Khu Phức hợp Du lịch Sinh thái Pegasus tại Bình Định có mức đầu tư hơn 798 tỷ đồng; Dự án chuyển đổi sang đất ở đô thị DA KDL Quốc Thắng có mức đầu tư 1.952 tỷ đồng; Công viên Động vật Hoang dã FLC Quy Nhơn (giai đoạn 2) có mức đầu tư hơn 294 tỷ đồng; Khu Đô thị Chức năng FLC Lux City Quy Nhơn có mức đầu tư hơn 32 tỷ đồng.
Đầu tư Phát triển Đô thị tại Phân khu 2, Phân khu 4 và Phân khu 9 (3 dự án) có tổng mức đầu tư 23.174 tỷ đồng; Khu Du lịch Phương Mai Bay có mức đầu tư 1.780 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Nhơn Hội (Khu B) có mức đầu tư 546 tỷ đồng; 2 dự án đã bị thu hồi là Khu vui chơi giải trí Đầm Thị Nại và Khu Du lịch DViews Resort.