Cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường 'mua trước, trả sau'

Nhìn từ trường hợp công ty tài chính Atome vừa rút lui khỏi Việt Nam chỉ sau một năm hoạt động sẽ thấy quy luật đào thải (bất kể là khối ngoại hay khối nội) và tính chất cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường 'mua trước, trả sau'. Và dù đây là lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển nhưng đòi hỏi các doanh nghiệp lường trước những rủi ro, và có hành lang pháp lý rõ ràng hơn.

Thông tin trên Techinasia vào tháng 7 này cho biết, Atome - công ty cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau (BNPL) có trụ sở chính tại Singapore, đã xác nhận rút lui khỏi thị trường Việt Nam chỉ sau một năm gia nhập.

“Đại gia” ngoại cũng phải rút lui

Như chia sẻ từ người phát ngôn của Atome, đóng góp của thị trường Việt Nam vào hoạt động kinh doanh tổng thể của công ty còn hạn chế nên từ tháng 5/2023, công ty đã bắt đầu tạm dừng các hoạt động của Atome Việt Nam theo kế hoạch và có trật tự.

Mặc dù đã từng thâm nhập thành công vào những thị trường sôi động ở châu Á, nhưng Atome vẫn phải rút lui khỏi thị trường BNPL tại Việt Nam chỉ sau một năm hoạt động.

Đây là thông tin khiến cho giới kinh doanh công nghệ tài chính (fintech) không khỏi bất ngờ khi mà Atome (một trong những thành viên thuộc tập đoàn tỷ đô Advance Intelligence Group) được cho là đã từng thâm nhập thành công vào những thị trường sôi động ở châu Á như Singapore, Indonesia, Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản,...

Hồi tháng 4/2022, khi đến Việt Nam, công ty công nghệ tài chính này đã trở thành đối tác của nhiều nhà bán lẻ và thương hiệu hàng đầu quốc tế như MAP ( Zara, Massimo, Pull&Bear, Stradivarius, ...), MMA (Planet Sports, Champion, New Era, Birkenstock,...), Robins Department Store, Index livingmall, Hoa Sen Việt (The Face Shop,...), Duc Trung Sports Company (Nike, Adidas, Wilson,...), Sơn Kim Mode (Vera, Jockey), Converse, Ecco, Cole Haan, Shiseido, Bitis, Akemi Uchi, ALDO, Sociolla, Pierre Cardin, Peak Sport và House Of Luggage.

Cũng theo Techinasia, sau khi rút khỏi Việt Nam, Atome vẫn hoạt động ở Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Trong khi đó, tại thị trường BNPL của Việt Nam, vẫn còn “người chơi” đáng chú ý khác thuộc khối ngoại là Kredivo.

Cách đây 2 năm, Kredivo (một công ty fintech của Indonesia) đã đổ bộ vào Việt Nam. Họ cho rằng đây là một lựa chọn hợp lý, do tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng trong nước thấp, nhiều người khó có khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng, có thể đạt giá trị 52 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, ngay khi Kredivo có mặt, đã có những cảnh báo về tính cạnh tranh quyết liệt tại Việt Nam. Bởi trước đó, Amazon, JD.com… là những tên tuổi lớn đã hướng tầm ngắm vào đây. Trong khi các startup Việt như là Fundiin, Wowmelo, Reepay, Litnow… cũng đang "giành giật miếng bánh béo bở" này. Do tiềm năng lớn nên vốn đầu tư cũng ồ ạt đổ vào các startup đầu tư lĩnh vực BNPL.

Giới chuyên gia nhận định, thị trường mua trước, trả sau của Việt Nam dự báo sẽ có mức tăng trưởng 45% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2028. Hồi năm 2022, theo ước tính của Research and Markets, thị trường BNPL ở Việt Nam đã đạt hơn 1,12 tỷ USD. Sức hấp dẫn của thị trường này khiến cho cuộc đua cạnh tranh “miếng bánh thị phần" càng trở nên khốc liệt.

Ngay như các ngân hàng thương mại ở Việt Nam cũng đã ý thức được sức nóng cạnh tranh từ hình thức mua trước, trả sau. Một số ngân hàng đã bắt đầu mở rộng hợp tác với các fintech cho vay mua hàng trước, trả nợ sau ở các nhóm khách hàng thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, “làn sóng” BNPL được cho là đã lan rộng trên thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam với sự tham gia của các ngân hàng, công ty tài chính, ví điện tử qua các hình thức khác nhau. Một số ví điện tử có thị phần lớn như ZaloPay, MoMo đã cùng với đối tác ngân hàng phát triển sản phẩm mua trước, trả sau ở phân khúc tiêu dùng.

Lường trước rủi ro, chờ quy định bài bản hơn

Ts. Phạm Nguyễn Anh Huy, sáng lập viên của Trung tâm FinTech-Crypto RMIT, cho biết cách phát triển của thị trường BNPL ở Việt Nam hiện nay khiến nhiều người liên tưởng tới thị trường ví điện tử một vài năm trước. Điểm giống nhau là những công ty tiên phong như Momo ở mảng ví điện tử và Fundiin hay Kredivo có nhiều lợi thế trong việc nắm giữ thị phần nhờ tham gia thị trường sớm.

Tuy nhiên, như lưu ý của ông Huy, BNPL hầu như chỉ tập trung vào thị trường cho vay nên có thể phải chịu sự cạnh tranh lớn hơn đến từ các tổ chức tài chính truyền thống vì đây là một trong những mảng kinh doanh chính của họ.

Điều này sẽ rõ ràng hơn khi cạnh tranh trong thị trường BNPL trở nên gay gắt hơn và thị trường dần bị bão hòa. Khi đó, các công ty BNPL có thể phải tìm kiếm các nguồn thu khác như cho vay ngắn hạn.

Trong khi đó, các ví điện tử và các tổ chức tài chính truyền thống như ngân hàng đang cho thấy một sự cộng sinh mạnh mẽ. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử như Shopee cũng đã tham gia cuộc đua mua trước, trả sau với lượng khách hàng tiềm năng đáng kể từ hệ sinh thái của mình.

Song song đó, Ts. Nguyễn Anh Huy chỉ rõ, hiện tại, hành lang pháp lý về BNPL vẫn chưa rõ ràng. Nếu BNPL phát triển rộng rãi mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ dễ dẫn đến tăng nợ xấu và ảnh hưởng nặng nề đến điểm tín dụng do người tiêu dùng có xu hướng tiêu xài quá khả năng trả nợ. Đồng thời, cũng có thể sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Theo cảnh báo của chuyên gia này, nếu các công ty BNPL không quản trị rủi ro một cách hợp lý sẽ dẫn đến không thể kiếm được lợi nhuận và phá sản như trường hợp của Openpay ở Australia gần đây.

Khi phá sản xảy ra, nhiều nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm có thể sẽ không thu hồi được tiền cho các sản phẩm và dịch vụ mà họ đã cung cấp. Đồng thời, trong tình hình kinh tế với lạm phát và lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn cao, nhà đầu tư có xu hướng chuyển đổi danh mục đầu tư khỏi các khoản đầu tư rủi ro và nhiều công ty công nghệ phải cắt giảm nhân sự.

“Do đó, các công ty BNPL có thể sẽ phải chịu đựng một làn sóng thiếu thanh khoản và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của BNPL”, ông Huy nói.

Nói chung, qua trường hợp Atome rút lui khỏi thị trường sẽ thấy ngoài chuyện phải chấp nhận quy luật đào thải (bất kể là khối ngoại hay khối nội) do sức ép cạnh tranh, thì để phát triển lĩnh vực BNPL ở Việt Nam một cách vững chắc sẽ phải cần đến những chiến lược và quy định bài bản hơn nữa.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/canh-tranh-khac-nghiet-tren-thi-truong-mua-truoc-tra-sau-1093923.html