Cảnh giác thủ đoạn giả danh shipper lừa đảo khách hàng chuyển khoản
Vừa qua, tình trạng giả danh shipper, yêu cầu chuyển khoản trước khi nhận hàng gia tăng, sự việc có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, tình trạng giả danh shipper để lừa đảo đang gia tăng và trở thành một vấn nạn đáng báo động, gây thiệt hại tài sản cho nhiều người dân. Lợi dụng sự phổ biến của hình thức mua sắm trực tuyến và giao hàng thu tiền (COD), các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước khi nhận hàng, hoặc thậm chí giả mạo thông tin để chiếm đoạt tài sản.
Chị Nguyễn Phương Thảo (quận Bình Thạnh), là một trong những nạn nhân của chiêu trò này. Trong lần đi vắng, chị nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là shipper giao hàng, yêu cầu chị chuyển khoản trước vì không thể giao trực tiếp. "Vì nghĩ là shipper quen thuộc, tôi đã chuyển khoản hơn 500.000 đồng mà không nghi ngờ gì. Đến tối, khi kiểm tra lại, tôi phát hiện mình bị lừa vì không có gói hàng nào. Gọi lại số điện thoại đó thì bị chặn", chị Thảo chia sẻ. Chị cũng cho biết từ sau sự việc này, chị sẽ không chuyển khoản trước khi nhận được hàng và sẽ kiểm tra kỹ thông tin của người giao hàng.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Anh (quận 7), cũng gặp trường hợp lừa đảo tương tự nhưng may mắn chị đã kịp nhận ra vì hơn 1 tháng nay chị không đặt hàng nào trên mạng xã hội. “Khi nhận được cuộc gọi từ shipper bảo có 1 đơn hàng và nói đúng tên và địa chỉ của tôi, lúc đó tôi đã khá bình tĩnh vì từng nghe về những trường hợp lừa đảo tương tự trước đây. Tôi khuyên mọi người cẩn thận kiểm tra lại các đơn hàng của mình có đặt hay đã vận chuyển đến đâu rồi hãy chuyển khoản cho shipper quen thuộc của mình”, chị Minh Anh chia sẻ.
Cùng chung bức xúc, anh Vũ Tiến P. (quận 1) cho biết, sáng nay (19/9), anh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0913.862.64x xưng là shipper giao hàng, nhưng do thời gian gần đây anh không đặt đồ qua kênh mua sắm trực tuyến nên đã xác minh kỹ lại cụ thể đơn hàng. Lúc này, đối tượng lừa đảo vòng vo và đề nghị chuyển tiền qua số tài khoản của chúng. Anh P. liền từ chối, sau khi bị phát hiện lừa đảo, đối tượng còn đe dọa và nói: "Mày thích thì báo công an đi...!"
Không chỉ người mua, người bán hàng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng này. Chị Lê Hà Vy (chủ một cửa hàng kinh doanh online), cho biết: "Nhiều khách hàng gọi đến hỏi liệu shop có yêu cầu chuyển khoản trước không. Điều này khiến khách hàng lo lắng và công việc kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều khách hàng mất niềm tin vào việc mua sắm trực tuyến".
Theo cơ quan công an, đây là một hình thức lừa đảo mới xuất hiện, các đối tượng thường xuyên theo dõi các buổi bán hàng trực tuyến (livestreams) trên mạng xã hội để thu thập thông tin về khách hàng và các đơn hàng. Thậm chí, chúng còn mua thông tin khách hàng từ các nguồn không rõ ràng.
Sau khi có dữ liệu, chúng giả mạo làm nhân viên giao hàng của các công ty vận chuyển uy tín, liên hệ với khách hàng vào những thời điểm không thuận tiện như giờ hành chính hoặc khi khách hàng vắng nhà, yêu cầu chuyển khoản trước rồi giả vờ gửi hàng cho người thân hoặc để lại tại các vị trí như bảo vệ chung cư. Để tạo lòng tin, các đối tượng còn chụp ảnh gói hàng và gửi qua tin nhắn để thuyết phục khách hàng trả tiền.
Luật sư Trần Minh Hùng, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, khuyến cáo người dân cần thận trọng trong các giao dịch trực tuyến, đặc biệt là khi nhận được yêu cầu chuyển khoản trước. “Khi gặp trường hợp này, tốt nhất là trình báo ngay với cơ quan công an nơi mình sinh sống. Tránh tìm kiếm thông tin trên mạng vì có nhiều đối tượng lừa đảo giả danh hoặc tạo ra các trang web giả mạo cơ quan công an. Khi liên hệ nhầm với những kẻ này, nạn nhân có thể tiếp tục trở thành đối tượng bị lừa đảo với những thủ đoạn mới”, luật sư Hùng nhấn mạnh.
Ông cũng khuyến cáo thêm rằng, để bảo vệ thông tin cá nhân, người dân cần chủ động trang bị kiến thức về các hình thức lừa đảo mới. Đối với các trường hợp bị yêu cầu chuyển khoản trước, nên xác nhận chính xác người giao hàng và nội dung đơn hàng. Không nên tùy tiện chuyển tiền chỉ qua một cuộc gọi mà không có sự xác minh rõ ràng.
Một số trường hợp, sau khi nhận được tiền, các đối tượng lừa đảo tiếp tục dùng chiêu thức giả mạo tin nhắn thông báo "chuyển nhầm tài khoản" để yêu cầu nạn nhân hoàn tiền hoặc dọa trừ tiền. Chúng sẽ gửi các đường link giả mạo, yêu cầu nạn nhân bấm vào để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và toàn bộ số tiền đã thanh toán.
Để giảm thiểu rủi ro, các đơn vị bán hàng, sàn thương mại điện tử, công ty vận chuyển và nhà cung cấp phần mềm bán hàng cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin khách hàng. Cần kiểm tra và thắt chặt quy trình bảo mật để bảo vệ thông tin người dùng và ngăn chặn hành vi lừa đảo tinh vi này.
Tình trạng giả danh shipper lừa đảo đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Để tránh trở thành nạn nhân, mỗi người dân cần tỉnh táo, thận trọng trong mọi giao dịch trực tuyến và luôn xác minh kỹ thông tin trước khi thực hiện chuyển khoản.