Cảnh giác chiêu trò 'quỵt' tiền mua nông sản
Khi nông sản tới kỳ thu hoạch, các đại lý thu mua nông sản tăng cường tiếp cận nhà vườn. Khi đôi bên 'thuận mua vừa bán' thì 'đặt cọc' làm tin hoặc cam kết miệng với nhau. Đây là hình thức giao dịch mua bán nông sản khá phổ biến tại nông thôn.
Tuy nhiên, thời qua tại một số nơi như: H.Tân Phú, H.Định Quán... xuất hiện tình trạng người thu mua nông sản “bất tín”. Lần đầu giao dịch, tiểu thương đến tận vườn gom hàng và trả tiền sòng phẳng cho nông dân. Lần tiếp theo thì “im hơi, lặng tiếng” sau khi lấy hàng làm nhà nông khốn đốn.
* Nông sản bỏ đi vì tiểu thương thất hẹn
Ông Tư Cói (ngụ xã Phú Thịnh, H.Tân Phú) kể, vụ xoài vừa rồi ông bị bà Đ.T.T.N. (ngụ xã Phú Lộc, H.Tân Phú) lừa mua 2,7 tấn xoài (trị giá gần 13 triệu đồng). Do bà N. trả giá thu mua tại vườn cao hơn những người khác nên ông đồng ý bán với giá 4,5 ngàn đồng/kg. Lần thứ nhất, bà N. chở 3 tấn và trả tiền sòng phẳng. Lần thứ 2, bà cho xe vào chở tiếp 2,7 tấn với lời hứa hôm sau vào mua tiếp và trả luôn tiền còn nợ, nhưng sau đó thì bà biệt tăm.
“Báo hại tôi bị hư mất 3 tạ xoài do bà N. lần trước bỏ lại vì xe không chở hết và 3 ngày công thợ chờ hái xoài vì liên tục trong 3 ngày bà N. thất hứa không vào mua xoài như đã hẹn. Vì bà N. bỏ lại 120 thùng các tông, 20 rổ nhựa đựng xoài làm tin và trả tiền sòng phẳng lần mua xoài đầu nên tôi mới bị lừa” - ông Tư Cói nói.
Không chỉ ông Tư Cói là nạn nhân mà có gần chục nhà vườn ở các xã: La Ngà, Thanh Sơn (H.Định Quán), Phú Thịnh, Tà Lài và TT.Tân Phú (H.Tân Phú) bị bà N. mua xoài, chôm chôm, sầu riêng, mít... nợ tiền. Những người này và ông Tư Cói đang có đơn khởi kiện bà N. ra TAND H.Tân Phú về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản và bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm hại.
Bà Bảy Tuyết (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) cho biết, trước khi khởi kiện bà N. về dân sự, một vài người có đơn gửi cơ quan công an tố cáo bà N. có hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Lý do bà và nhiều người khác bị lừa là do được bà N. cam kết mua xoài, mít, chôm chôm, sầu riêng... tại vườn với giá cao hơn những người khác từ 500-1.000 đồng/kg. Phần do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, trái cây bị dội chợ, thị trường xuất khẩu ngưng trệ, vì vậy, khi được bà N.mua giá cao và trả tiền sòng phẳng lần đầu nên ai cũng ham, mới dẫn tới sự việc trên.
* Cảnh giác với kiểu làm ăn "chụp giật"
Việc buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa nông dân với nhau thường bằng miệng. Theo quy định của pháp luật, dù giao kết bằng miệng nhưng được các bên thừa nhận thì giao kết đó vẫn có giá trị và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trong thực tế nông dân và tiểu thương luôn lấy chữ tín làm đầu trong giao dịch. Cho dù nông dân không thực hiện đúng hợp đồng (không bán trái cây, nông sản cho tiểu thương) hoặc tiểu thương (không thu mua hàng, trả tiền mua hàng đúng hẹn) thì đôi bên vẫn thông cảm cho nhau, ít khi dẫn nhau ra tòa nhằm tránh phiền phức.
Luật sư Vũ Văn Tăng (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Còn quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm gồm: tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.
Với trường hợp của bà N., theo phản ảnh của các nhà vườn, việc họ tố cáo, khởi kiện bà N. vì lý do bà này làm ăn kiểu "chụp giật", lừa đảo, không giữ chữ tín. Số tiền bà N. nợ nông dân là hàng tấn trái cây, nông sản..., nguồn lợi duy nhất mà nhà nông thu được của một năm chăm sóc, đầu tư. “Chúng tôi tố cáo, khởi kiện bà N. nhằm mục đích đòi tiền và cảnh báo cho nhiều người khác biết về kiểu làm ăn chụp giật của bà N.” - ông Tư Cói bày tỏ.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, việc nông dân tố cáo bà N. phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi bà có dấu hiệu của hành vi gian dối để làm người khác tin nhằm thực hiện những mục đích vụ lợi, chiếm giữ tài sản của người khác trái pháp luật là có cơ sở. Do đó, việc tố cáo của nông dân không vi phạm Luật Tố cáo năm 2018.
Tuy vậy, việc tố cáo của nông dân được cơ quan công an trả lời thuộc lĩnh vực tòa án thụ lý là đúng pháp luật. Bởi vì, có thể hành vi chiếm dụng tiền của bà N. đối với nông dân chưa đến mức hoặc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm; tranh chấp trên chứng cứ thiên về tranh chấp dân sự hơn là dấu hiệu tội phạm hình sự; nhằm tránh oan sai đối với người vô tội.
Luật sư Hà hướng dẫn, khi tranh chấp giữa các bên thuộc lĩnh vực dân sự thì sẽ được tòa án thụ lý giải quyết theo nguyên tắc: thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đồng thời, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
“Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình” - luật sư Hà bày tỏ.