Canh bạc ở Trung Đông

Cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel đã làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng ở Trung Đông. Liệu vòng xoáy leo thang mới sẽ đẩy các bên rơi vào 'miệng hố chiến tranh'?

Iran phát động cuộc tấn công lớn vào Israel

Tối 1/10, Iran tiến hành cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn khi bắn hơn 200 quả rocket nhằm vào các mục tiêu của Israel. Hậu quả của cuộc tấn công là còi báo động vang lên khắp cả nước, buộc người dân phải trú ẩn trong các hầm tránh bom.

Theo Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cuộc tấn công nhằm trả đũa trước cái chết của Tổng thư ký lực lượng Hezbollah ở Lebanon Hassan Nasrallah, người đứng đầu Bộ Chính trị phong trào Hamas Ismail Haniyeh và nhiều quan chức cấp cao khác trong “Trục kháng chiến” do Iran dẫn dắt ở khu vực. Ngày 1/10, sau cuộc tấn công, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết, Tehran đã đưa ra “phản ứng quyết đoán” đối với hành động của Israel.

 Hệ thống phòng không Israel đánh chặn tên lửa Iran. Ảnh: Reuters

Hệ thống phòng không Israel đánh chặn tên lửa Iran. Ảnh: Reuters

Thiệt hại do cuộc tấn công vẫn chưa được công bố chính thức. Nhưng theo hãng thông tấn Shafaqna của Iran, hơn 30 chiếc máy bay chiến đấu F-35 của Israel đã bị phá hủy. Một cơ quan thông tấn khác của Iran là Tasnim đưa tin, một trong những mục tiêu của Tehran là các cơ sở sản xuất khí đốt gần thành phố Ashkelon. Theo Tasnim, căn cứ quân sự Nevatim của Israel cũng đã bị phá hủy.

Về phần mình, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari cho biết, quân đội Israel sẽ có phản ứng đáp trả và đã có kế hoạch hành động. Ông Daniel Hagari cho biết trong một tuyên bố: “Sự sẵn sàng của lực lượng không quân không bị ảnh hưởng và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công mạnh mẽ ở Trung Đông”. Theo truyền thông Israel đưa tin, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã xuống hầm trú ẩn của mình sau khi trận pháo kích bắt đầu, từ đó ông nhận được những thông tin cập nhật mới nhất.

Tương tự như sự kiện vào tháng 4 vừa qua, khi Iran tiến hành không kích Israel vì cuộc không kích của Không quân Israel đánh vào Tổng lãnh sự quán Iran ở Damascus/Syria, Jordan giờ đây lại tham gia đánh chặn tên lửa. Theo kênh NBC của Mỹ, Jordan cho phép quân đội Mỹ sử dụng không phận của mình để chặn tên lửa Iran. Một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên nói với Agence France-Presse rằng quân đội Mỹ sẵn sàng cung cấp “hỗ trợ phòng thủ bổ sung” cho Israel sau khi giúp bảo vệ nước này trước một cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran.

Nhận định về cuộc không kích của Iran nhằm vào Israel, bà Elena Panina, Giám đốc Viện Chiến lược kinh tế và Chính trị quốc tế cho rằng, một cuộc tấn công bằng tên lửa là cách duy nhất hiện nay mà Tehran có thể giúp Hezbollah. Một “đòn uy tín”, tương tự như cuộc tấn công diễn ra vào tháng 4 năm nay, một mặt, như một thông điệp khẳng định Iran không “bỏ rơi” các lực lượng đồng minh ủy nhiệm ở khu vực; mặt khác, cũng sẽ không đẩy các bên rơi vào “miệng hố chiến tranh” và cánh cửa nối lại đàm phán với phương Tây liên quan đến vấn đề hạt nhân, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vẫn còn mở. Tuy rằng, các cuộc tấn công như vậy khó có thể “ngăn chặn các kế hoạch quân sự của Israel ở Lebanon”.

Xu hướng phát triển tình hình ở Trung Đông

Bất chấp quy mô của cuộc tấn công tên lửa, câu hỏi vẫn là phản ứng này phù hợp đến mức độ nào đối với những tổn thất mà lực lượng thân Iran trong khu vực phải gánh chịu. Sau cái chết của Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah và thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh cũng như việc Israel triển khai chiến dịch trên bộ, mặc dù có giới hạn ở miền nam Lebanon, nhiều kỳ vọng rằng Tehran sẽ có hành động tích cực hơn trong việc hỗ trợ các nhóm kháng chiến địa phương.

Tờ Izvestia dẫn nhận định của nhà phương Đông học Leonid Tsukanov cho rằng, đến nay chiến thuật của Iran không quá khác biệt so với cuộc tấn công mà nước này thực hiện vào tháng 4 trong Chiến dịch True Promise. Vào thời điểm đó, một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn về phía Israel cũng đã được ghi nhận, nhưng không có sự leo thang đáng kể nào xảy ra sau đó.

 Người dân tìm nơi trú ẩn khi có tiếng còi báo động không kích ở miền trung Israel. Ảnh: Reuters

Người dân tìm nơi trú ẩn khi có tiếng còi báo động không kích ở miền trung Israel. Ảnh: Reuters

Theo ông Leonid Tsukanov, mục tiêu của Tehran là gây ra càng nhiều thiệt hại về lực lượng cho Israel càng tốt để thể hiện rõ hơn về sức mạnh quân sự của mình và “nắn gân” Israel về khả năng đáp trả không thể tránh khỏi nếu các “lằn ranh đỏ” của Tehran bị xâm phạm. Hơn nữa, cuộc tấn công của Iran là cần thiết sau một loạt hoạt động quân sự thành công của Israel, nỗ lo sợ về “phản ứng của Iran” đã phần nào giảm bớt. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng cả trong lời nói lẫn hành động của giới cầm quyền Israel.

Cuộc tấn công cũng có thể là “động thái nghi binh” mà Iran sử dụng để bảo đảm củng cố mặt trận Lebanon và tạo cơ hội cho Hezbollah có thời gian để tổ chức lại lực lượng đối phó trước các chiến dịch quân sự trên bộ của Israel. Thực tế là sau các vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm, thiết bị điện tử và đặc biệt là cái chết của Tổng thư ký Hassan Nasrallah, Hezbollah đã chịu tổn thất rất lớn về mặt lực lượng; trong khi, tinh thần chiến đấu của các tay súng Hezbollah cũng sẽ khó tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng.

Nguy cơ chiến tranh bùng phát khắp Trung Đông?

Trong khi đó, Grigory Lukyanov, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo, Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, cuộc tấn công tên lửa của Iran có ý nghĩa rất lớn và mở ra vòng xoáy căng thẳng tiếp theo trong khu vực. Mặc dù có thể không gây ra thiệt hại nặng nề cho Israel, song cuộc tấn công tạo ra hiệu ứng dây chuyền, cổ vũ phong trào phản kháng Israel của các lực lượng trong “Trục kháng chiến” ở khu vực.

“Trong tương lai gần, thế giới có thể sẽ chứng kiến các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào Israel từ Biển Đỏ với tần suất và quy mô lớn hơn. Xét đến việc Iran đã bắn hơn 100 tên lửa lần này, lực lượng Houthi chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc. Phong trào Ansar Allah đã tấn công cơ sở hạ tầng của nhà nước Do Thái kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vũ trang ở Dải Gaza vào tháng 10 năm ngoái. Hơn nữa, nếu Tehran tham gia vào một cuộc tấn công vào Israel, theo quy định, tất cả các thành viên của 'Trục kháng chiến', bao gồm cả người Houthi, đều tham gia”, Grigory Lukyanov nhận định.

Tuy nhiên, những cuộc tấn công này, có thể chỉ gây ra đôi chút khó khăn về mặt hoạt động hơn là chiến lược cho Israel, sẽ không dẫn đến một cuộc chiến tranh khu vực. Iran đã nhiều lần nói rõ rằng, nước này không sẵn sàng cho phép tình hình leo thang mất kiểm soát. Những tuyên bố gần đây của giới lãnh đạo Tehran, đặc biệt là Tổng thống Masoud Pezeshkian đã gián tiếp xác nhận điều này. Các cuộc tấn công bằng tên lửa trong bối cảnh này chủ yếu nhắm vào dư luận trong nước, trong đó rõ ràng sự bất mãn ngày càng gia tăng đối với quan điểm kiềm chế quá mức của chính quyền.

Nhà khoa học chính trị người Iran Amir Chahaki liên kết các cuộc tấn công bằng tên lửa với áp lực đang đè nặng lên vai lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei sau một loạt cuộc tấn công của Israel. “Khi Israel thực hiện một loạt cuộc tấn công vào Beirut, đặc biệt là cái chết của các nhân vật cấp cao như Hassan Nasrallah hay Ismail Haniyeh, áp lực đè nặng lên vai chính quyền Iran, nhất là lãnh tụ Ayatollah Ali Khamenei. Nhưng tôi không nghĩ ông Ali Khamenei muốn bắt đầu một cuộc chiên tranh quy mô lớn”, ông Chahaki đánh giá.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/canh-bac-o-trung-dong-post314915.html