Căng thẳng giữa hai siêu cường là tâm điểm tại Đối thoại Shangri-La
Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và những tác động từ xung đột ở Ukraine đối với châu Á sẽ là tâm điểm chú ý tại hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng đầu khu vực ở Singapore cuối tuần này.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 diễn ra từ thứ Sáu đến Chủ nhật tuần này (2-4/6) tại khách sạn Shangri-La Singapore ở đường Orchard, Singapore.
Hơn 550 đại biểu từ hơn 40 quốc gia có mặt tại diễn đàn kéo dài ba ngày, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese sẽ có bài phát biểu quan trọng. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Tổng thống Timor-Leste Jose Ramos-Horta cũng sẽ có bài phát biểu.
Các diễn giả khác bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, các chỉ huy quốc phòng của Anh, Đức, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Philippines.
Quan hệ Mỹ - Trung khó khăn
Trước thềm Đối thoại năm nay, các nhà quan sát chính trị đã dự đoán một cuộc gặp có thể xảy ra giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Diễn đàn năm 2022 có cuộc gặp đầu tiên giữa ông Austin và Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ của Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa. Tuy nhiên, Tướng Lý Thượng Phúc, người nắm giữ cương vị mới từ tháng 3, đã từ chối yêu cầu của Washington về việc này, Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Hai.
Ông Austin bày tỏ rất "đáng tiếc" về sự từ chối từ phía Trung Quốc và cho biết ông hoan nghênh mọi cơ hội tiếp xúc với người đồng cấp Trung Quốc.
Tiến sĩ Chong Ja Ian, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết việc không có cuộc gặp song phương chính thức trong năm nay cho thấy mối quan hệ giữa hai cường quốc đang "không thoải mái".
Theo ông James Crabtree, giám đốc điều hành văn phòng châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, tình thế khó xử giữa Washington và Bắc Kinh "cho thấy tầm nhìn khác nhau cơ bản về vai trò của sự kết nối trong mối quan hệ giữa các cường quốc".
"Từ phía Washington, thông tin liên lạc là điều cần thiết nhất trong một cuộc khủng hoảng… Nhưng quan điểm của Bắc Kinh gần như hoàn toàn ngược lại," ông Crabtree viết trong một bài báo trên Straits Times.
Ông Austin dự kiến sẽ phát biểu vào thứ Bảy về vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi Tướng Lý Thượng Phúc sẽ trình bày về các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc vào Chủ nhật.
Hệ lụy từ xung đột, bất ổn tới an ninh khu vực
Cuộc xung đột của Nga ở Ukraine - và các vấn đề liên quan nằm trong lĩnh vực an ninh toàn cầu - cũng sẽ là chủ đề nổi bật tại Đối thoại năm nay.
Cuộc xung đột ở châu Âu đã định hình lại quan điểm và chính sách của nhiều quốc gia trong năm qua và đang tiếp tục phủ bóng lên cuộc tranh luận về các mối quan tâm và chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn.
Các cuộc thảo luận tại diễn đàn dự kiến sẽ đề cập đến cấu trúc an ninh đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm hiệp ước Aukus giữa Australia, Anh và Mỹ, cũng như nhóm Bộ tứ gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, đã gặp nhau tại Hiroshima trong tháng Năm.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng cường quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO từ đầu năm 2023.
Tiến sĩ Chong cho biết ông hy vọng các cuộc thảo luận tại Đối thoại Shangri La năm nay sẽ làm sáng tỏ quan điểm của các nước liên quan đến các khuôn khổ an ninh này và cách chúng đóng góp cho sự ổn định khu vực.
Tiến sĩ Chong cho biết các chủ đề khác cần theo dõi là vấn đề hỗ trợ và thể hiện tiếng nói trong cuộc xung đột Ukraine, nỗ lực quản lý các chương trình vũ khí và tên lửa ở Triều Tiên và Iran, và các cách thức giải quyết tình hình ở Myanmar và những tác động lan tỏa của nó.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen sẽ kết thúc Đối thoại vào Chủ nhật với bài phát biểu về phát triển các mô hình an ninh hợp tác.
Ông Ng Eng Hen cũng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận bàn tròn cho các bộ trưởng đến thăm vào thứ Bảy và Chủ Nhật, đồng thời tiến hành các cuộc gặp song phương với các quan chức hàng đầu từ nhiều quốc gia khác nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết trong nhiều năm qua, diễn đàn đã "trở thành một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương".
Đối thoại Shangri-La được khởi động vào năm 2002 như một nền tảng cho hoạt động ngoại giao trực tiếp giữa các quan chức quốc phòng hàng đầu toàn cầu, và theo truyền thống là có nhiều bài phát biểu, tranh luận và các cuộc trò chuyện riêng tư liên quan đến an ninh giữa các đại biểu cấp cao bên lề.
Sự kiện thường niên đã bị hủy bỏ vào năm 2020 và 2021 do đại dịch virus corona.