Căng thẳng chính trị trong Chính phủ Đức vì năng lượng hạt nhân
Mặc dù Đức dự kiến đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của mình vào cuối năm nay, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại và khả năng mất điện trong mùa Đông đã làm tăng áp lực lên chính phủ.
Theo trang tin EURACTIV.de (Đức) ngày 17/10, cuộc tranh cãi nội bộ trong chính phủ Đức giữa đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) về việc loại bỏ năng lượng hạt nhân đã gia tăng trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa đạt được sự thỏa hiệp.
Thủ tướng Olaf Scholz đã gặp Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thuộc đảng Xanh và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc FDP hôm 16/10 nhằm đạt được thỏa thuận về việc gia hạn hoạt động các nhà máy điện hạt nhân.
Trong khi Đức dự kiến ban đầu sẽ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của mình vào cuối năm nay, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại và khả năng mất điện trong mùa Đông kể từ đó đã làm tăng áp lực lên chính phủ, đặc biệt là đối với đảng Xanh.
Tại đại hội đảng Xanh diễn ra vào cuối tuần qua, đảng chống hạt nhân truyền thống này đã nhượng bộ trước áp lực và bỏ phiếu kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân đến tháng 4/2023.
Tuy nhiên, đảng Xanh cũng xác định một số “lằn ranh đỏ” không được vượt qua trong bất kỳ hoàn cảnh nào - như mua nhiên liệu hạt nhân mới để duy trì cho các nhà máy hoạt động lâu hơn - một động thái mà FDP chỉ trích nặng nề.
Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Đức Lindner nói với tờ die Welt: “Khi đề cập đến việc ngăn chặn tác động tiêu cực đối với đất nước chúng ta, đặc biệt là giảm giá năng lượng vốn đang rất cao, ngăn ngừa mất điện - không có ranh giới đỏ nào đối với tôi”, lưu ý đây không phải là "về chính trị của đảng".
FDP đã yêu cầu các nhà máy điện phải duy trì hoạt động cho đến năm 2024 và thậm chí khởi động lại nhiều lò phản ứng hạt nhân hơn nữa để đảm bảo an ninh năng lượng.
Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke thuộc đảng Xanh cũng phản ứng lại, lập luận rằng quan điểm của FDP chủ yếu được thúc đẩy bởi thành tích kém cỏi của họ trong các cuộc bầu cử gần đây.