Cần vận hành hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp

Ý kiến thảo luận tại 'Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023' sáng 22/6 khuyến nghị: cần vận hành hiệu quả đường dây nóng và hòm thư điện tử để tiếp nhận các phản ảnh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó, điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội có chủ đề “Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ”.

Theo đó, tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Các chỉ số đảm bảo tăng trưởng bền vững và sức cạnh tranh doanh nghiệp suy giảm cùng với yếu tố kinh tế quốc tế không thuận lợi, những vấn đề nội tại kinh tế không được xử lý triệt để đã khiến cho khả năng thích ứng của nền kinh tế không cao.

Do vậy, cần tăng cường tính liên kết và chú trọng giải pháp phát triển doanh nghiệp một cách thực chất và bền vững.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hà Anh.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hà Anh.

Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thời gian tới.

Theo đó, về ngắn hạn các chuyên gia cho rằng, cần tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định là rất quan trọng đối với cộng đồng kinh doanh. Các cơ quan Nhà nước cần công khai rộng rãi các chính sách, quy định để các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ) thuận lợi trong tiếp cận thông tin.

Các hướng dẫn thực hiện cần rõ ràng hơn với những tiêu chí đánh giá cụ thể giúp đánh giá mức độ hoàn thành của mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện.

Trong quá trình này, các cơ quan chức năng cũng cần vận hành hiệu quả đường dây nóng và hòm thư điện tử để tiếp nhận các phản ảnh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách.

Đồng thời, quan tâm giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục có giải pháp hỗ trợ giãn nộp cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 mà không có khả năng nộp.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn nộp ngân sách Nhà nước với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi. Cụ thể là với với các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp như: tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... Tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Về trung và dài hạn, bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được xây dựng ngay từ bây giờ.

Đó là các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ.

Cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính có liên quan để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với nông thủy sản để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.

Cần xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh: thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành, đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế là hết sức cần thiết.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/can-van-hanh-hieu-qua-duong-day-nong-tiep-nhan-kien-nghi-cua-doanh-nghiep/20230622123950525