Cần trị bệnh từ gốc

Các cụ ta có câu: Có bệnh thì vái tứ phương. Phải chăng những đề án thí điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông liên tiếp được đưa ra cũng nhằm thực hiện phương châm ấy. Song ông cha ta cũng có lời dạy, trị bệnh từ gốc, muốn trị dứt căn bệnh, cần bắt đúng bệnh...

Ùn tắc giao thông trên một tuyến đường nội đô.

Hơn tuần nay, dư luận xôn xao với đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".

Theo các tác giả, đề án này sau 2 lần trình và được UBND TP Hà Nội yêu cầu chỉnh sửa đã được bổ sung, hoàn thiện. Theo đó, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô.

Cũng theo Nhóm Tư vấn nghiên cứu đề án của trường Đại học Giao thông - vận tải, việc thực hiện thu phí ô tô vào nội đô sẽ giảm khoảng 20% lưu lượng giao thông đi vào và đáp ứng ưu tiên hàng đầu lúc này là giảm ùn tắc giao thông trong trung tâm TP.

Ngoài ra, việc thu phí cũng giúp ngân sách nhà nước hàng năm có thêm khoảng 200 tỷ đồng, khuyến khích người dân dùng phương tiện vận tải công cộng và giảm ô nhiễm môi trường.

Chỉ cần nhìn vào lượng tin bài được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã thấy rõ, đây là điều được dư luận người dân quan tâm đến mức nào. Mặt khác, những cái tít như “Thu phí nội đô, dư luận “dậy sóng'”, “Thu phí ô tô vào nội đô: Nên có lộ trình”, “Thu phí ô tô vào nội đô từ 2024 là bất khả thi”… đã thể hiện rõ thái độ với việc này. Tựu trung lại, các ý kiến đa phần đều cho rằng việc thực hiện thu phí xe vào nội đô cần được cân nhắc kỹ càng, lấy ý kiến rộng rãi của người dân để có kết quả khảo sát thực tế chính xác, tạo sự đồng thuận cao, tránh gây bức xúc khi tiến hành triển khai.

Ai cũng biết đây là một việc làm với mong muốn tích cực góp phần giải quyết một căn bệnh trầm kha của Hà Nội, và cũng không chỉ của Hà Nội, đó là nạn ùn tắc giao thông. Cũng cần nhắc lại là đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đưa ra bàn thảo. Và đây cũng không phải là “đơn thuốc” duy nhất được bốc cho căn bệnh này. Có thể kể ra những đề xuất thí điểm như “ Xe đi ngày chẵn, ngày lẻ”, "Đường sắt một ray", "Xe bus dành riêng cho phụ nữ", "Triển khai xe đạp công cộng"… nghe thì rất hay nhưng khi đưa vào thực tế lại thiếu tính khả thi, thậm chí gây lãng phí.

Công bằng mà nói, với lần đề xuất này, đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" đã được nghiên cứu, chỉnh sửa khá cẩn thận. Tuy nhiên, dư luận và công luận vẫn tỏ ra e ngại tính khả thi cũng như kết quả của nó. Thêm vào đó, cũng có câu hỏi đặt ra là liệu câu chuyện xe bên ngoài TP đi vào nội đô có phải nguyên nhân cơ bản gây ra nạn ùn tắc giao thông? Chắc không hẳn. Nếu có, nó cũng chỉ là nguyên nhân không chính yếu.

Trong khi đó, nhiều nguyên nhân đã được nhận diện từ lâu rất cần được giải quyết dứt điểm. Đó là cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, hệ thống giao thông công cộng còn bất cập và nhất là ý thức tuân thủ luật lệ hay văn hóa giao thông của một bộ phận người dân còn kém. Vì vậy, việc thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường với tổng mức đầu tư không hề nhỏ, lên tới khoảng 2.600 tỷ đồng, rất cần được cân nhắc kỹ. Đó là chưa kể việc vận hành hệ thống đó một cách có hiệu quả, minh bạch.

Các cụ ta có câu: Có bệnh thì vái tứ phương. Phải chăng những đề án thí điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông liên tiếp được đưa ra cũng nhằm thực hiện phương châm ấy. Song ông cha ta cũng có lời dạy, trị bệnh từ gốc, muốn trị dứt căn bệnh, cần bắt đúng bệnh, tìm ra nguyên nhân cơ bản của nó. Như vậy, nên chăng cần bình tĩnh xem xét, xác định cái gốc của căn bệnh mà dồn nguồn lực, trí tuệ, công sức chạy chữa dứt điểm?

Lê Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-tri-benh-tu-goc.html