Cần Thơ: Đề nghị truy tố 1 giám đốc Trung tâm đăng kiểm và đồng phạm
Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm 6502D, 6504D, 6506D (Cần Thơ) bị cáo buộc đã nhận hối lộ hơn 2,3 tỉ đồng để thực hiện hợp thức hóa hồ sơ nghiệm thu cải tạo, bỏ qua một số lỗi khi thực hiện đăng kiểm phương tiện.
Nguồn tin của PLO cho biết Cơ quan CSĐT, Công an TP Cần Thơ đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (TTĐK) và 9 người khác về tội nhận hối lộ và tội sử dụng, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Các bị can gồm: Châu Ngọc Ý (giám đốc TTĐK 6502D, 6504D, 6506D thuộc Công ty cổ phần kỹ thuật Cát Tường An Khánh); Phạm Minh Nhựt, phó giám đốc TTĐK 6502D; Nguyễn Sĩ Hùng (cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp tư nhân sửa chữa ô tô Phú Hưng); Huỳnh Hoàng Tâm (Đăng kiểm viên); Nguyễn Ngọc Thuần (giám đốc CTCP kiểm định an toàn Đông Dương); Nguyễn Hoàng Điệp (giám đốc Công ty TNHH sản xuất nồi hơi công nghiệp an toàn Việt Nam); Hoàng Ngọc Hải, Lê Thị Hà Uyên (nhân viên Công ty Vinaphone chi nhánh huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước); Trương Anh Dũng (giám đốc Công ty TNHH dịch vụ ô tô Ninh Kiều) và Lâm Trương Thái Châu.
Nhận làm dịch vụ đăng kiểm trọn gói
Theo KLĐT, bị can Châu Ngọc Ý đã nhận tiền của chủ các phương tiện, đại diện chủ phương tiện để thực hiện hợp thức hóa hồ sơ nghiệm thu cải tạo, bỏ qua một số lỗi, quy trình, thủ tục, nhiều trường hợp không kiểm soát được chất lượng phương tiện khi ký cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
Cụ thể, để tránh bị phạt, đại diện chủ các phương tiện đến các TTĐK 6502D, 6504D để liên hệ tìm hiểu, làm thủ tục nghiệm thu cải tạo xe cơ giới, hoặc hợp thức hóa thủ tục cho những phương tiện đã cải tạo.
Lúc này, Châu Ngọc Ý hoặc Phạm Minh Nhựt thỏa thuận với chủ phương tiện để nhận tiền dịch vụ làm hồ sơ cải tạo trọn gói gồm: hồ sơ thiết kế, thẩm định thiết kế, thi công để nghị nghiệm thu,thực hiện cải tạo đạt, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo. Đại diện phương tiện không phải làm bất cứ thủ tục hồ sơ gì, hoặc chỉ cần thi công cải tạo.
Giá trọn gói nhận làm dịch vụ trung bình khoảng từ 5-15 triệu đồng; một số loại xe miễn thiết kế, chỉ cần làm, ký Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo, Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo thì nhận giá từ 150 -300 ngàn đồng.
Ban đầu Ý thuê Hùng làm bản vẽ thiết kế, thẩm định thiết kế, đứng tên đơn vị thi công cải tạo trong các hồ sơ. Ngày 27-12-20218, Ý nhờ Châu đứng tên đại diện pháp luật Hợp tác xã vận tải Tứ Hải. Đến tháng 9-2020, Ý thành lập CTCP sản xuất TMDV Thành Châu Gia cho vợ làm giám đốc. Ý sử dụng 2 pháp nhân này đứng vai trò cơ sở thi công cải tạo trong các hồ sơ nghiệm thu cải tạo mà Ý nhận làm dịch vụ. Thực tế 02 pháp nhân này không tham gia quá trình thi công cải tạo, các hồ sơ ban hành là do Ý tự in ra tự ký hoặc đưa Châu ký. Các bản vẽ thiết kế phương tiện cải tạo, Ý thuê các đơn vị có chức năng thiết kế bản vẽ, làm thủ tục thẩm định theo các thông số kỹ thuật do Ý cung cấp.
Còn bị can Nhựt hoàn toàn thuê các đơn vị có chức năng thiết kế, thẩm định thiết kế, thuê/nhờ Công ty TNHH MTV CK Ô tô Lâm Vinh, doanh nghiệp tư nhân sữa chữa ô tô Phú Hưng ký thủ tục đề nghị nghiệm thu.
Với các phương thức, thủ đoạn như trên từ năm 2017-2023, Châu Ngọc Ý đã thực hiện làm dịch vụ 778 phương tiện, nhận tổng cộng hơn 2,3 tỉ đồng, qua đó thu lợi bất chính hơn 917 triệu đồng. Phạm Minh Nhựt thực hiện 9 hồ sơ, thu số tiền 88,5 triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí còn lại hưởng hơn 40 triệu đồng.
Để hợp thức hóa hồ sơ nhận tiền của các chủ xe, Ý sử dụng các đơn vị thân quen để nhờ làm khống hoặc ký tên khống các văn bản của Cơ sở cải tạo. Trong đó, Ý sử dụng 12 Giấy chứng nhận kết quả kiểm định cần cẩu giả do Công ty cổ phần kiểm định an toàn Đông Dương phát hành để hợp thức hóa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu xe cải tạo gắn cần cẩu để nghiệm thu đạt sai quy định.
Ngoài ra, Ý sử dụng các tài liệu giả do các bị can Hùng, Dũng, Châu ký số lượng 1.734 Văn bản để hợp thức hóa hồ sơ việc nhận hối lộ; Ý làm khống và ký giả tên vợ tại 1.038 văn bản để hợp thức hóa hồ sơ thi công. Các tài liệu được làm giả, làm khống có giá dao động từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/giấy.
Cán bộ cục đăng kiểm kiêm chủ công ty dịch vụ
Đối với bị can Hùng, ngoài việc giúp sức tích cực cho Ý như trên, Hùng còn làm khống, ký giả tên vợ tổng cộng 785 văn bản của Cơ sở cải tạo trong hồ sơ nghiệm thu tại các TTĐK 5007V, 5015D, 5006V, 5012D, 7102D, giúp cho các đăng kiểm viên của TTĐK, đăng kiểm viên của Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, hoặc nhận làm hồ sơ trực tiếp từ chủ các phương tiện. Hành vi của Hùng đã được tách ra từ vụ án do Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, Công an huyện Bình Chánh thụ lý.
Quá trình điều tra, CQĐT còn phát hiện vụ án có liên quan đến cán bộ Phòng VAR Cục Đăng kiểm Việt Nam,
Cụ thể, bị can Ý có thuê Lê Đức Thiện, giám đốc điều hành Công ty TNHH DV TKKT ô tô Đức Thịnh (tỉnh Phú Thọ) và Bùi Văn Lưu, Phó Giám đốc và điều hành Công ty TNHH kỹ thuật và dịch vụ TKT (tỉnh Nam Định) làm khống bản vẽ trọn gói bao gồm bản vẽ thiết kế cải tạo có thẩm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam và hồ sơ thi công cải tạo giá 5-6 triệu đồng/hồ sơ. Sau đó Thiện và Lưu đưa hối hộ cho cán bộ Phòng VAR từ 2 – 2,5 triệu đồng đồng/1 hồ sơ. Công an tỉnh Phú Thọ và Nam Định đã khởi tố bị can đối với Thiện và Lưu.
Bị can Hoàng Xuân Thảo (trong vụ án do công an TP.HCM điều tra), cán bộ Phòng VAR khai do nhiều lần đi kiểm tra các TTĐK có quen biết và biết Ý có nhu cầu làm bản vẽ thiết kế cải tạo. Thảo giới thiệu cho Ý biết Công ty CP TM và DVKT VCAR, sau khi Công ty VCAR giải thể, Thảo giới thiệu cho Ý cho Công ty TNHH DVKT ô tô An Bình. Cả hai công ty, Thảo đều là thành viên đồng sáng lập.
Quá trình làm bản vẽ, Ý trao đổi thông tin trực tiếp với Đặng Minh Phong, Nguyễn Đức Thiện. Ý chuyển tiền cho vợ Thảo rút tiền để Thảo đem về công ty cùng chia.
Kiến nghị đơn giản hóa thủ tục
Cơ quan CSĐT nhận định nguyên nhân dẫn đến các vi phạm là do công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với hoạt động nghiệm thu xe cơ giới, cải tạo của Cục đăng kiểm Việt Nam và đơn vị có liên quan chưa được chặt chẽ, chất lượng không cao. Một số hồ sơ thuộc thẩm quyền thẩm định thiết kế của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhưng lại giới thiệu cho doanh nghiệp của người thân thực hiện, không đảm bảo công bằng, minh bạch, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Công tác đăng kiểm các lần sau khi xe đã nghiệm thu cải tạo xong có nhiều thiếu sót mang tính chủ quan, không phát hiện hoặc cố tình bỏ qua các thông số kỹ thuật, kết cấu, kích thước không đúng quy định, vượt sai số cho phép…
Từ đó, CQ CSĐT kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với hoạt động kiểm định nói chung, nghiệm thu xe cơ giới cải tạo nói riêng; thực hiện giám sát qua hồ sơ trực tuyến, qua dữ liệu video trực tiếp. Cần thiết xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp; hoàn thiện quy định những điều cấm đăng kiểm viên, lãnh đạo TTĐK không được làm.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục các phương tiện cải tạo, đề cao chất lượng khi thi công, nghiệm thu, kiểm định để người dân có phương tiện đảm bảo chất lượng là đủ điều kiện nghiệm thu, kiểm định, không phải đi thuê dịch vụ…
HẢI DƯƠNG