Cần tập trung khắc phục những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 24-10, các đại biểu thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước thảo luận tại tổ 15 với các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình và Bình Thuận.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương khi ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) chỉ ra rằng, các chỉ tiêu không đạt là những chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng, đến chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng nền kinh tế và hướng đến an sinh xã hội.
Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị đối với chỉ tiêu về năng suất lao động không đạt cần phải đánh giá, phân tích kỹ hơn và có giải pháp, tiến độ đặt ra và trách nhiệm cụ thể để cùng giải quyết. Bởi đây là những chỉ tiêu đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Về giáo dục, nhất là vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì thấy rằng những hạn chế, bất cập rất rõ, từ nguồn lực đến các điều kiện đảm bảo về chất lượng chương trình sách giáo khoa đều thấp hơn so với yêu cầu thực tế. Tình trạng giáo viên thừa, thiếu cục bộ hầu như khắp các địa phương trên cả nước vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Trong khi đó, giáo viên có vai trò gần như quyết định đến chất lượng giáo dục.
Đại biểu Phan Viết Lượng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội
Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị thời gian tới Chính phủ cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản liên quan đến triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng như chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo. Đồng thời có tổng kết về chủ trương xã hội hóa trong giáo dục vì thực tế thời gian qua cho thấy nhận thức và việc hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa thống nhất, chưa rõ ràng đã ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.
Xã hội hóa trong giáo dục phải gắn với trách nhiệm của Nhà nước, nhưng cũng phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Đặc thù của giáo dục không phải ở đâu cũng có thể xã hội hóa được mãi mà cần phải có điều kiện. Phải chăng vì Nhà nước không đầu tư, đảm bảo kinh phí cho giáo dục dẫn tới tình hình lạm thu, thu sai. Cần phải làm rõ và có hướng dẫn, kiểm tra thống nhất, đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong phối hợp xử lý.
Đại biểu Phan Viết Lượng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội
Về giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị: Cần quan tâm đến chất lượng lao động, nâng cao năng suất lao động. Muốn làm được điều này phải quan tâm hơn đến giáo dục nghề nghiệp, phải gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học để xác định cần đào tạo kiến thức gì, kỹ năng gì, lĩnh vực gì để ưu tiên. Không nên đào tạo theo hướng có cơ sở vật chất thế nào, có đội ngũ thế nào cứ đào tạo theo hướng đó, mà phải nghĩ đến thị trường lao động, yêu cầu phát triển của đất nước.
Đại biểu Phan Viết Lượng cũng chỉ ra một thực tế là tình trạng phân bổ vốn chậm, chưa phân bổ hết trong khi đó nhu cầu cho giáo dục đào tạo, văn hóa, khoa học công nghệ rất cấp bách…
Làm rõ thêm ý kiến đại biểu về thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận đây là vấn đề mà hầu như năm nào cũng có. Năm 2022, tổng biên chế bổ sung cho giáo viên là 65.980 người. Năm học vừa qua trên cơ sở thống nhất lại với các cơ quan, Bộ Nội vụ đã giao 27.650 biên chế. Vấn đề thiếu là do chưa tuyển, không có nguồn tuyển. Bộ Nội vụ cũng đã rất chủ động để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc này, tuy nhiên đây là một bài toán cần phải tính toán lâu dài.