Cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên

Trẻ vị thành niên là giai đoạn trẻ có những bước phát triển rõ rệt về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Vì vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên được gia đình, nhà trường và các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, giúp trẻ phát triển về tinh thần, trí tuệ và thể chất lành mạnh hơn.

 Chuyên đề chăm sóc SKSS vị thành niên tại Trường THPT Lê Lợi, TP. Đông Hà mang lại cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích - Ảnh: T.L

Chuyên đề chăm sóc SKSS vị thành niên tại Trường THPT Lê Lợi, TP. Đông Hà mang lại cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích - Ảnh: T.L

Chị N.K.P. ở Khu phố 5, Phường 5, TP. Đông Hà có con gái đang học lớp 8 tại một trường THCS trên địa bàn thành phố. Chị P cho biết hai năm qua, trước những thay đổi về tâm sinh lý của con, chị thường phản đối, nhất là khi thấy con có những hành vi, lối cư xử khác so với thời học tiểu học. Con gái chị có nhiều bạn bè hơn, biểu lộ tình cảm thân thiết với bạn khác giới, để ý nhiều đến vẻ đẹp bên ngoài, xao nhãng chuyện học hành, nhiều khi kiên quyết chống đối ý kiến của cha mẹ. Con cũng không còn kể chuyện ở trường cho mẹ nghe như trước nữa mà trở nên lặng lẽ, khó hiểu. Từ đó mẹ con chị bất đồng quan điểm, ngày càng xa cách nhau.

Chị P. thực sự lo lắng. May mắn thay, tình cờ đọc được tài liệu chăm sóc SKSS vị thành niên trên internet, rồi tham khảo qua bạn bè, chị P. đã học được cách ở gần con, tâm sự cùng con, gợi mở những điều khó nói, sẵn sàng trả lời con các câu hỏi về sức khỏe sinh lý, tình dục; lắng nghe các vấn đề của trẻ về mối quan hệ bạn bè và quan trọng nhất là cho con thấy gia đình luôn an toàn đối với con. Đến nay chị P. gần như là bạn đồng hành với con gái trong giai đoạn thay đổi quan trọng của cuộc đời. Chị tâm sự, mình thực sự may mắn khi tìm ra hướng đi phù hợp, hỗ trợ con gái kịp thời, hạn chế được những rủi ro mà bất cứ trẻ vị thành niên nào cũng có thể gặp phải trong điều kiện xã hội ngày nay.

Đối với học sinh, giáo dục SKSS vị thành niên trong nhà trường đã được ngành giáo dục nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức giảng dạy từ nhiều năm nay, trang bị cho các em những kiến thức hết sức cần thiết về vấn đề này. Các chương trình giáo dục SKSS trong nhà trường được lồng ghép trong các môn Sinh học, Giáo dục công dân và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Mới đây, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS, giải đáp các thắc mắc về vấn đề SKSS vị thành niên để các em tự bảo vệ mình và mạnh dạn hơn trong chia sẻ những băn khoăn của bản thân, Trường THPT Lê Lợi (TP. Đông Hà) phối hợp với Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ) tỉnh tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề chăm sóc SKSS cho học sinh.

Bác sĩ Nguyễn Hương Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục DSKHHGĐ đã thông tin đến học sinh những biểu hiện của việc thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên và hệ quả của việc thiếu hiểu biết về chăm sóc SKSS vị thành niên dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc; đồng thời hướng dẫn, tư vấn, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cơ bản, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, vệ sinh cá nhân, kỹ năng phòng chống xâm hại... để các em học sinh phòng tránh những tình huống và sự cố không may xảy ra. Bác sĩ Nguyễn Hương Chương nhấn mạnh, học sinh cần chủ động tìm hiểu kiến thức về giới tính, SKSS vị thành niên; mạnh dạn tâm sự những lo lắng, băn khoăn, thắc mắc về SKSS với người thân trong gia đình, thầy cô; xây dựng thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi, giải trí và tập luyện thể dục thể thao phù hợp; phải phân biệt rõ ràng giữa tình yêu và tình bạn khác giới trong sáng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; tránh xa những hình ảnh, sách báo, phim ảnh, trang web khiêu dâm, đồi trụy; tuyệt đối không sử dụng rượu, thuốc lá, ma túy, tránh xa các tệ nạn xã hội; không nên quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành và phải trang bị cho bản thân kiến thức về tình dục an toàn.

Thực tế, đã có nhiều buổi nói chuyện được Chi cục DSKHHGĐ phối hợp với các đoàn trường, đoàn cơ sở tổ chức để truyền thông, nâng cao sự hiểu biết về SKSS cho thanh thiếu niên độ tuổi học sinh, đoàn viên, nhưng vẫn còn đó những con số khiến chúng ta không khỏi đau lòng. Đó là tỉ lệ phá thai ở trẻ em gái vị thành niên gia tăng. Số liệu thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 nghìn ca nạo phá thai ở độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi. Trong đó, có 60 % - 70% là học sinh, sinh viên. Ngoài ra, không ít học sinh trong độ tuổi đi học bị xâm hại tình dục; mất kết nối với cha mẹ; quan hệ tình dục sớm và không an toàn; mang thai ngoài ý muốn...

Nếu không được quan tâm, giáo dục đúng mức thì trẻ vị thành niên sẽ rất dễ gánh chịu những hệ lụy về thể chất và tâm thần từ việc thiếu hiểu biết về SKSS. Chính vì thế, các em rất cần được cung cấp các kiến thức liên quan đến SKSS và được giáo dục nhiều hơn nữa từ gia đình, nhà trường và xã hội về những nội dung này. Mà trong đó yếu tố gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy các bậc phụ huynh phải quan tâm hơn nữa đến đời sống tâm sinh lý của các em, tạo cho các em một môi trường sống lành mạnh để phát triển an toàn về trí tuệ, tinh thần và thể chất.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=156572&title=can-quan-tam-den-viec-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-cho-tre-vi-thanh-nien