Cân nhắc mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến nhiều lĩnh vực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc mục tiêu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025.
Chiều 28-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo của Chính phủ đã điểm qua tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo đó, có 17/22 mục tiêu của kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai.
Kết quả thực hiện kế hoạch đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79%, cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.
"Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát; tỉ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; nền tảng tài chính quốc gia được củng cố rõ rệt; hệ số tín nhiệm quốc gia tăng" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội.
Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Đẩy mạnh cải cách thể chế; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; phát triển kinh tế đô thị; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gồm: Hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng; nâng cấp chuỗi giá trị các ngành, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh...
Thẩm tra kế hoạch của Chính phủ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với các mục tiêu, chỉ tiêu được nêu tại kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, thời gian qua do tác động của dịch Covid-19 nên số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, năng lực tài chính của doanh nghiệp đã bị bào mòn, suy giảm đáng kể.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu khó khả thi như mục tiêu "Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn".
Bên cạnh chỉ tiêu, mục tiêu về số lượng, cần nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp, nhất là việc đánh giá đóng góp của doanh nghiệp vào GDP theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
"Có ý kiến cho rằng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung thêm phụ lục các kịch bản tương ứng trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát, kiểm soát một phần hoặc bùng phát mạnh"- ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị các mục tiêu, chỉ tiêu phải được điều chỉnh phù hợp với từng kịch bản, bảo đảm việc thực hiện không rơi vào tình trạng bị động, lúng túng, xa rời mục tiêu khi phát sinh các tình huống ngoài dự báo.