Cần lưu ý gì trước và sau khi niềng răng?

Niềng răng là một trong những biện pháp chỉnh răng để có hàm răng đẹp và cải thiện chức năng ăn nhai. Vậy, trước và sau khi niềng răng cần lưu ý những gì để niềng răng an toàn và đạt hiệu quả cao?

Niềng răng mất bao nhiêu thời gian còn phụ thuộc vào khiếm khuyết của răng. Thường mất khoảng 1,5-2,5 năm với niềng răng cố định. Niềng răng tháo lắp thì mất ít thời gian hơn. Có một vài trường hợp, niềng răng cố định cần kết hợp với niềng răng tháo lắp.

1. Trước khi niềng răng

- Đánh giá tình trạng răng: Trước khi niềng răng cần đi khám để được đánh giá tình trạng răng. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ xác định sử dụng phương pháp niềng răng cho phù hợp. Thường lúc này các bác sĩ sẽ chụp Xquang răng, lấy mẫu hàm răng…

- Tìm hiểu kỹ các phương pháp niềng răng: Hiện nay, có rất nhiều phương pháp niềng răng. Nên tìm hiểu kỹ để lựa chọn phương pháp phù hợp với như cầu làm đẹp răng, tình trạng răng, nhất là tài chính.

- Lựa chọn những cơ sở nha khoa uy tín: Niềng răng cần được thực hiện bởi các nha sĩ có kinh nghiệm, lành nghề. Để niềng răng được an toàn, đạt hiệu quả và hạn chế những khó chịu sau khi niềng răng, cần lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín.

Trước khi niềng răng, cần khám kiểm tra chính xác tình trạng răng.

Trước khi niềng răng, cần khám kiểm tra chính xác tình trạng răng.

2. Sau khi niềng răng

- Vệ sinh răng miệng: Sau khi niềng răng, việc vệ sinh sẽ khó khăn hơn vì có thêm các mắc cài trên răng. Do đó, cần vệ sinh kỹ để loại bỏ thức ăn bám trên răng/mắc cài, dây cung... tránh tạo thành mảng bám, cao răng sẽ gây các bệnh răng miệng: Hôi miệng, viêm nướu, sâu răng…

Nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và sau khi ăn 30 phút, súc miệng thường xuyên. Có thể sử dụng chỉ nha khoa, máy tăm nước… để vệ sinh răng dễ dàng và nhanh hơn.

- Từ bỏ những thói quen xấu: Cần bỏ những thói quen xấu như mút môi, lấy lưỡi đẩy răng, cắn bút, mút ngón tay… Vì những thói quen này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của răng và ảnh hưởng đến kết quả niềng răng.

Trong lần thăm khám định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra lực kéo của mắc cài đồng thời theo dõi quá trình di chuyển của răng.

Trong lần thăm khám định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra lực kéo của mắc cài đồng thời theo dõi quá trình di chuyển của răng.

-Ăn uống đúng cách: Thời gian đầu sau niềng răng nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm (cháo, súp, sữa…), cắt nhỏ thức ăn… để tránh mắc cài bị bung, gãy.

Ngoài ra cần hạn chế ăn các thức ăn dai cứng, dẻo để tránh ảnh hưởng đến lực kéo của dây niềng và có thể làm đứt dây cung; hạn chế thức ăn có màu như nghệ để tránh thức ăn bám dính trên răng, dây thun gây mất thẩm mỹ; tránh đồ ăn nhiều đường, vì đường dễ bám dính trên răng, từ đó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

- Thăm khám định kỳ: Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với người đang niềng răng. Trong những thăm khám này, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại lực kéo của mắc cài, đồng thời theo dõi quá trình di chuyển của răng. Từ đó kịp thời phát hiện những bệnh hay vấn đề nảy sinh liên quan đến răng miệng sau niềng răng.

- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Nên tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ trong thời gian niềng răng. Việc nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn về đeo khí cụ hoặc đeo thun trên mặt răng có thể giúp quá trình niềng răng nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn.

3. Làm gì khi mắc cài bị rơi?

Thông thường, nguyên nhân rơi mắc cài là do gặm, cắn thức ăn quá cứng, quá dai. Vì thế, để hạn chế tình trạng rơi mắc cài, nên có chế độ ăn uống và chăm sóc răng miệng đúng cách.

Trong quá trình niềng răng, nếu bị rơi mắc cài, nên:

- Liên hệ ngay với phòng khám để được hướng dẫn cách xử lý kịp thời hoặc giúp gắn lại mắc cài chắc chắn trên răng.

- Không được tự ý gắn lại mắc cài khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì việc gắn không đúng kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến hiệu quả niềng răng đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh về răng miệng.

Hiệu quả tẩy trắng răng.

BS. Phan Nhi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-luu-y-gi-truoc-va-sau-khi-nieng-rang-169230717164241945.htm