Cần luật hóa quy định bảo vệ, có chính sách cho cán bộ sửa sai

Đại biểu cho rằng trong tương lai cần luật hóa các quy định để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cán bộ có tâm huyết với công việc, vì lợi ích chung...

Trong một phiên thảo luận tổ về các báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội mới đây, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã nêu ý kiến rằng nếu truy cứu các vụ việc trước đây thì bất cứ cá nhân nào cũng phải “vào lò”. Ông cũng đề xuất cấp có thẩm quyền nên có một “lằn ranh đỏ” khi xử lý với những cán bộ có sai phạm.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: PHẠM THẮNG

Luật hóa quy định về bảo vệ cán bộ

Chia sẻ sâu hơn với PV Pháp Luật TP.HCM về đề xuất này, đại biểu Phạm Văn Hòa nhìn nhận: Từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về phục hồi phát triển kinh tế cho thấy nghị quyết này đã mở ra những cơ chế đặc thù, tương đối thông thoáng nhưng khâu tổ chức thực hiện của các ngành, địa phương còn các hạn chế nhất định.

Điều này cũng được báo cáo giám sát của Quốc hội đã chỉ ra, trong đó có vấn đề thái độ, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là không dám nghĩ, không dám làm, sợ chịu trách nhiệm.

“Vì người ta nghĩ còn làm là còn sai. Chỉ có những người không làm thì mới không sai. Cho nên họ vẫn làm việc nhưng làm cầm chừng, cho qua ngày, chứ phát huy tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa là chưa có” - ông Hòa nói và nhìn nhận đây là một thực tế.

Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, để tháo gỡ việc này thì cần thêm một cơ chế đặc thù nữa để phát huy vai trò, trách nhiệm và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, chỉ huy, thực thi công vụ.

Hiện nay văn bản của Đảng đã tháo gỡ vấn đề “bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm” rồi. Chẳng hạn như Kết luận 14 hay Quy định 142 về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu được phép đề xuất bổ nhiệm cấp phó của mình… “Những quy định này về cơ bản đã khá đầy đủ để cán bộ, công chức, viên chức phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời bảo vệ được những cá nhân làm đúng” – ông Hòa nói.

Dù vậy, đã làm việc thì phải có đúng có sai, không ai hoàn thiện. Vậy nhưng cái sai đó cũng cần phải xem xét ở từng khía cạnh là do yếu tố khách quan, hay chủ quan, do tư lợi, do cộng hưởng, bị tác động, hay do vấn đề này vấn đề kia… Cho nên bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bảo vệ cán bộ làm đúng nhưng không may có sai sót (làm việc có lợi cho dân, vì cái chung mà không có yếu tố tư lợi) thì cần phải được luật hóa.

“Nghị định về bảo vệ cán bộ cũng có rồi nhưng tôi cho rằng mới chỉ dừng ở mức chung chung, chưa cụ thể. Đây cũng mới là văn bản dưới luật còn khi xử lý cái sai thì các cơ quan chức năng áp dụng luật để xử lý. Do vậy, trong tương lai cần luật hóa để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cán bộ có tâm huyết với công việc” – đại biểu Hòa nhấn mạnh.

 Nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ảnh: PHẠM THẮNG

Để cán bộ yên tâm làm việc, cống hiến

Ông cũng nói giai đoạn trước đây có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp làm sai trong đấu thầu, chỉ định thầu, mua bán đất đai… Lý do là trước đây có vướng một phần cơ chế, chính sách mới dẫn đến tình trạng đó. Mọi ngành, mọi cấp đều kêu gọi trải thảm đỏ đầu tư để phát triển kinh tế, đô thị hóa, thu ngân sách cho bằng chị bằng em.

“Trong quá trình tổ chức thực hiện do nóng vội, xé rào, làm sai quy định. Doanh nghiệp làm có lợi thì họ lại quả cho những người giúp mình. Bây giờ mình truy lại, lật lại những cái đó và thời gian qua có rất nhiều cán bộ bị xử lý bằng nhiều hình thức rồi” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.

Ông cũng cho rằng nếu các cơ quan chức năng vào cuộc ở 63 tỉnh, thành cả nước, lật lại các vụ việc cũ đó thì sẽ có không ít người dính lao lý vì “không sai nhiều thì cũng sai ít”. Do vậy tới đây nên có một văn bản chính thức kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… nếu tay đã có nhúng chàm, làm chưa đúng thì tự giác khai báo, hoàn trả lại số tiền thu nhập bất chính cho nhà nước và được giữ bí mật.

Những cán bộ đó được ân xá, hoạt động bình thường. Nếu không tự giác khai báo, chủ động khắc phục hậu quả khi bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm, xử đến nơi, đến trốn, không miễn trừ. Từ nay trở về sau, có những trường hợp đó xảy ra thì tiếp tục xử lý cương quyết.

Những người lỡ nhúng chàm, thực sự ăn năn hối cải sẽ có cơ hội để sửa sai, tu sửa mình để trở thành cán bộ tốt hơn, vì dân vì nước hơn. Như cha ông mình từng nói đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.

“Và tôi nghĩ rằng những cán bộ biết sửa sai sẽ làm việc quyết liệt, làm tốt và tốt hơn. Chứ như hiện nay, những người “chưa bị lộ” thì người ta cũng có tâm trạng không vui, không dám làm việc. Hoặc là những người bị kỷ luật rồi thì người ta làm việc cũng cầm chừng" - ông Hòa khẳng định.

Về vấn đề này, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng cần thống kê, phân tích, đánh giá sâu hơn về thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, kịp thời trong thực thi công vụ, vẫn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định). Ảnh: QH

Theo ông Ba, đây là vấn đề không mới nhưng đã kéo dài nên càng cần Chính phủ có đánh giá cụ thể hơn bởi “thấy đúng cho toàn xã hội”.

Vị đại biểu Quốc hội nói năm 2023 và đầu năm 2024, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật gần 18.000 trường hợp. Theo ông, cần bóc tách các nhóm vi phạm, nhất là nhóm liên quan tới vi phạm Luật Cán bộ công chức, về đạo đức công vụ, trốn tránh nhiệm vụ, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc…

“Nếu chỉ nhận định chung chung, cảm tính, không xác định cụ thể hành vi vi phạm để xử theo đúng pháp luật cán bộ, công chức thì rất khó thực hiện. Nếu đơn vị nào có cán bộ công chức vi phạm liên quan đến vấn đề này thì cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Hàng năm, Chính phủ cần có đánh giá chi tiết về vấn đề này” - ông Ba nói.

Trong khi đó, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên), cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật và tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức nằm trong mối tương quan chặt chẽ.

Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên). Ảnh: QH

Theo bà, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang có sự mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất. Chính vì vậy cán bộ, công chức phải giữ lấy sự an toàn. Không ai dám làm những việc pháp luật quy định không rõ ràng vì khi làm sẽ bị rủi ro pháp lý và thực tế một bộ phận cán bộ đã chịu sự rủi ro pháp lý.

“Việc đánh giá cán bộ né tránh trách nhiệm cần nhìn nhận đầy đủ. Trong đó có việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho rõ ràng, không để hậu quả pháp lý xảy ra” - bà Luyến nói thêm.

TRỌNG PHÚ

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-luat-hoa-quy-dinh-bao-ve-co-chinh-sach-cho-can-bo-sua-sai-post792598.html