Cần làm gì để phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam?

Vừa qua, BTEC FPT đã phối hợp với Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM tổ chức Hội thảo 'Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho làn sóng đầu tư vi mạch tại Việt Nam'.

Trong khoảng một năm trở lại đây, ngành vi mạch bán dẫn trở nên rất nóng, nhất là sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam vào tháng 9-2023 và ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Với mối quan hệ này, Việt Nam trở thành đối tác lớn trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn cho Hoa kỳ. Nhiều cuộc viếng thăm của các tập đoàn vi mạch bán dẫn lớn đến từ Mỹ và các nước châu Âu, đã cho thấy chiến lược phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn đang hướng đến Việt Nam.

Tuy vậy, làm sao để nắm bắt cơ hội mới thúc đẩy ngành bán dẫn phát triển, một ngành ngành công nghiệp trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ.

Ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, cho rằng để tận dụng hoàn toàn tiềm năng mà Việt Nam đang có, chúng ta cần tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng để chuẩn bị đón đầu làn sóng đầu tư vi mạch mới tại Việt Nam.

 Ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Ảnh: TIỂU MINH

Ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Ảnh: TIỂU MINH

Chưa có quốc gia nào tự chủ hoàn toàn và khép kín chuỗi cung ứng, do đó vẫn còn rất nhiều cơ hội để Việt Nam tham gia, ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM, Giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Synopsys Vietnam chia sẻ.

Cũng theo ông Vinh, nhu cầu về nhân sự thiết kế vi mạch khoảng 150-200 người/quý, và cần khoảng 3 năm để có thể thiết kế độc lập (kỹ sư chính thức). Việc tham gia chuỗi cung ứng tại Việt Nam rất quan trọng, trong đó phát triển nguồn nhân lực là yếu tố trọng tâm và quyết định. “Cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho việc phát triển nguồn nhân lực vi mạch”.

 Ông Nguyễn Phúc Vinh, giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Synopsys Vietnam chia sẻ. Ảnh: TIỂU MINH

Ông Nguyễn Phúc Vinh, giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Synopsys Vietnam chia sẻ. Ảnh: TIỂU MINH

Tiến sỹ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH CNTT (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, vi mạch bán dẫn hiện nay phát triển như vũ bão, đã khác trước đây rất nhiều.

Nguồn nhân lực làm việc trong ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam cơ bản được các trường ĐH quan tâm đầu tư trong vòng 10 năm qua thông qua các các hoạt động: mở chuyên ngành đào tạo, cải tiến chất lượng đào tạo và kết nối doanh nghiệp.

Hiện tại ở Việt Nam có 2 nhóm chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực này, cụ thể nhóm ngành và chuyên ngành về Điện - Điện tử, Điện tử viễn thông, Vật lý kỹ thuật và Kỹ thuật máy tính đào tạo về kỹ sư thiết kế vi mạch và thiết kế chip; nhóm ngành và chuyên ngành về Vi điện tử, Quản lý công nghiệp, Công nghệ Vật liệu, Công nghệ Môi trường, Cơ điện tử đào tạo kỹ sư làm việc tại các doanh nghiệp lắp ráp, kiểm tra và đóng gói (ATP).

 Tiến sỹ Nguyễn Minh Sơn (giữa), Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH CNTT (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: TIỂU MINH

Tiến sỹ Nguyễn Minh Sơn (giữa), Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH CNTT (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: TIỂU MINH

Tuy nhiên, trường ĐH ở Việt Nam còn nhiều hạn chế trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực ATP do sự thiếu đầu tư các trang thiết bị thực hành và thiết bị thí nghiệm trong công tác đào tạo hands-on.

Để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực vi mạch, các Viện/trường cần phải có chương trình phát triển nguồn nhân lực rõ ràng, thu hút doanh nghiệp FDI và phát triển cơ chế chính sách, ông Sơn nói thêm.

 Cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng thời để phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn chất lượng cao. Ảnh: TIỂU MINH

Cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng thời để phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn chất lượng cao. Ảnh: TIỂU MINH

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-lam-gi-de-phat-trien-nguon-nhan-luc-vi-mach-ban-dan-tai-viet-nam-post792490.html