Cần lắm con đường vào Huổi Kép
Chúng tôi trở lại bản Huổi Kép, xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu vào đúng những ngày nắng nóng cao điểm của tháng 3. Con đường dẫn vào bản vẫn là đường đất dốc đứng cùng những khúc cua tay áo... Biết trước con đường này khó đi, nên chúng tôi chỉ mang theo đầy đủ những vật dụng cần thiết phục vụ tác nghiệp, còn đồ đạc cá nhân đều gửi lại trụ sở xã. May mắn, chúng tôi có bạn đồng hành là mấy cán bộ của Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu vào Huổi Kép kiểm tra tiến độ sinh trưởng, phát triển của diện tích rừng trồng mới.
8 giờ sáng, cả đoàn xuất phát theo anh cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn dẫn đường; các xe đi cách nhau 5 - 6 phút để vừa tránh bụi, vừa đảm bảo an toàn. Tới một con suối nhỏ, người dẫn đường ra hiệu dừng lại nghỉ ngơi. Mấy người dân từ trong bản đi ra huyện thấy chúng tôi, liền bảo: Trời nắng, cán bộ còn đi được xe máy đấy, mùa mưa không đi được đâu, phải cuốc bộ thôi! Đường càng đi càng khó, có lúc phải xuống đi bộ, người dắt, người đẩy xe để vượt dốc. Đường vào Huổi Kép chỉ khoảng 20 km, mà cả đoàn mất gần buổi sáng. Khi đến nơi, thấy mọi người lấm lem bụi đất, Trưởng bản Cà Văn Mấng phân trần: Mùa nắng mà còn khổ thế đấy! Còn mùa mưa, Huổi Kép như bị cô lập với bên ngoài. Đến phiên chợ, muốn chở nông sản ra bán cũng phải trông chờ những tay lái cự phách, quen đường mới được. Chúng tôi rất mong sớm được Nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến đường này!
Ở đây, lúa và cà phê là hai cây trồng chủ lực, thế nhưng năng suất lại khá thấp so với các vùng lân cận, cũng bởi đường vào bản quá khó khăn, các loại phân bón, vật tư nông nghiệp đưa vào đến đây đều bị đẩy giá lên cao, đến mùa thu hoạch thương lái lại ép giá, lại thêm khan hiếm nước nên ruộng trong bản hầu như chỉ canh tác một vụ, thành ra cái nghèo cứ đeo bám người dân Huổi Kép, năm nào bản cũng trong diện cứu đói giáp hạt, phải nhờ sự hỗ trợ lương thực của Nhà nước. Hộ anh Quàng Văn Dên, cả 3 thế hệ cùng sinh sống, gồm 10 khẩu nhưng chỉ có hơn 1 ha trồng lúa, sắn... nên lo đủ ăn đã khó, nói gì thoát nghèo. Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng bản thở dài: Huổi Kép có 33 hộ, 204 khẩu của đồng bào dân tộc Thái, do ít có điều kiện giao thương với bên ngoài, chỉ quen phương thức sản xuất cũ, chưa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... nên tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 78%. Ngoài đường giao thông khó khăn; công trình nước sạch được Nhà nước đầu tư hơn chục năm trước giờ cũng bỏ không, cả bản phải dùng nước mó tự nhiên. Thành ra nhiều năm rồi, Huổi Kép vẫn thuộc diện bản đặc biệt khó khăn.
Ở đây, chúng tôi còn nghe được nhiều câu chuyện vất vả của người dân. Ấy là có người ốm đau phải dùng cáng để khiêng đi viện; chuyện con em phải ra tận trung tâm xã để học con chữ vì không có lớp cắm bản; người dân vẫn hầu như tự cung tự cấp các nhu cầu đời sống, chỉ khi có việc hay đám cỗ mới xuống xã, ra huyện để mua thêm thực phẩm. Nói về những khó khăn của Huổi Kép, ông Lò Văn Dương, Chủ tịch UBND xã, bộc bạch: Cấp ủy, chính quyền địa phương rất trăn trở tìm phương kế hiệu quả để giúp người dân Huổi Kép cải thiện cuộc sống, xóa nghèo bền vững. Riêng con đường, từ trung tâm xã đến bản khá dài, mà bản lại ít hộ dân nên đầu tư làm đường bê-tông vào đây rất khó thực hiện. Chúng tôi đang cố gắng đưa chính sách, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước vào đây, ưu tiên xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, rồi giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng các mô hình khuyến nông để người dân làm theo... Phấn khởi nhất là năm qua, điện lưới đã được kéo về bản, chắc chắn đây là bàn đạp để người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khó khăn vất vả là thế, nhưng phải ghi nhận người dân Huổi Kép luôn đoàn kết, tuân thủ pháp luật; đặc biệt, người dân rất tích cực tham gia trồng rừng và bảo vệ diện tích rừng phòng hộ nằm trên địa phận, những cánh rừng ở đây vì thế vẫn được phủ màu xanh tươi tốt. Chúng tôi biết, tìm hướng thoát nghèo cho người dân vùng đất này còn nhiều gian nan, song, đã có điện rồi, nếu Huổi Kép sớm được Nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến đường, gia cố, hoàn thiện hệ thống cấp nước... để bà con đi lại dễ dàng, các cháu học sinh đến trường thuận lợi, sản xuất chăn nuôi phát triển, nông sản sản xuất ra có thị trường tiêu thụ..., chắc chắn Huổi Kép sẽ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/can-lam-con-duong-vao-huoi-kep-29722