Cần đưa nội dung tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng vào Nghị quyết Kỳ họp
Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid -19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất được Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường gửi đến các đại biểu Quốc hội cho thấy, đã có 320 ý kiến phát biểu tại 72 tổ đại biểu Quốc hội, phân tích, đánh giá về kết quả đạt được, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.
Xử lý bất cập trong văn bản QPPL ảnh hưởng đến phòng, chống dịch
Các đại biểu đánh giá cao chiến lược ngoại giao vaccine của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội đều tham gia rất tích cực, hiệu quả vào công tác ngoại giao vaccine.
Một số ý kiến cho rằng việc ứng phó với đợt dịch lần thứ 4 đã bộc lộ nhiều hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng; hệ thống y tế cơ sở còn bị động trước dịch bệnh, nguồn lực và điều kiện hệ thống y tế có hạn, đặc biệt là y tế cơ sở chưa được đầu tư thỏa đáng cả về nguồn lực con người, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế; quá trình tổ chức thực hiện còn lúng túng.
Có ý kiến cho rằng chi phí xét nghiệm Covid-19 quá cao, gây gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp; còn xảy ra tình trạng loạn giá kit xét nghiệm ở các địa phương, do vậy, cần làm rõ trách nhiệm điều hành, lãnh đạo của ngành Y tế trong vấn đề này. Việc xét nghiệm Covid-19 đôi lúc không cần thiết, gây lãng phí, nhất là đối với những người đã được tiêm 2 mũi vaccine. Tình trạng các trang, thiết bị y tế, khẩu trang giả, giấy xét nghiệm giả… vẫn còn xảy ra, gây khó khăn cho kiểm soát dịch bệnh. Do đó, có ý kiến đề nghị tăng cường, xây dựng cơ sở pháp lý liên quan, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm để áp dụng từ năm 2022, đồng thời, xử lý bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Qua tổng hợp ý kiến thảo luận, cóý kiến đề nghị cần tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 và các chính sách phòng, chống dịch Covid - 19, các chính sách hỗ trợ cho người dân; giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết và việc thực hiện các luật, pháp lệnh; ưu tiên phân bổ ngân sách, bố trí nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trợ giúp xã hội cho các nhóm yếu thế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 và bình đẳng giới. Đề nghị đưa vào Nghị quyết kỳ họp nội dung về tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để kịp thời ứng phó với các tình huống cấp bách trong thời gian tới.
Hỗ trợ tương xứng với ảnh hưởng nặng nề, dài hạn của dịch bệnh
Đối với Chính phủ, mộtsố ý kiến đề nghị đánh giá tổng kết công tác phòng, chống dịch, chỉ ra được những hạn chế trên quan điểm yếu tố về khoa học, về chuyên môn trong phòng, chống dịch để rút ra bài học kinh nghiệm. Cần có đánh giá về hiệu quả tiêm vaccine cho người dân sau khi tiêm 3 năm, 5 năm. Cần đánh giá thực trạng của lao động thất nghiệp và có giải pháp khắc phục phù hợp.
Có ý kiến đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ có báo cáo gửi Trung ương về công tác phòng, chống dịch, những vấn đề đặt ra, dự kiến tình hình sắp tới và các giải pháp định hướng trong tình hình mới; có báo cáo về công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 theo từng năm. Khi thành lập Ban Chỉ đạo cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng nòng cốt, chuyên trách cần khẩn trương xây dựng đội quân liên hợp có sự tham gia của các ngành khác nhau; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị thực hiện; xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Có ý kiếnđề nghị Chính phủ cần quan tâm sửa đổi Luật Đấu thầu liên quan đến đầu tư, mua sắm trang thiết bị ngành y tế. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của luật nào hay các quy định về vấn đề phòng, chống dịch bệnh... theo hướng: hỗ trợ tương xứng với ảnh hưởng nặng nề và dài hạn của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn khả thi; quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa; đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; cân đối và phân bổ nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm tránh dàn trải; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối thống kê, cập nhật danh sách, hoàn cảnh, nguyện vọng của trẻ em cần trợ giúp và hỗ trợ để cung cấp thông tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo, sử dụng chung trong quá trình làm công tác xã hội; cần lưu ý cả trẻ em không phải mồ côi nhưng gặp khó khăn cần được hỗ trợ để bảo đảm cuộc sống và học tập cho đến năm 18 tuổi. Đề nghị chỉ đạo Bộ Y tế quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thường xuyên và tốt hơn, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho các trạm y tế, tổ y tế di động...