Cần đánh giá tác động thật kỹ khi giảm cấp phó HĐND

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần có đánh giá tác động thật kỹ, sát với thực tiễn đối với quy định giảm số lượng đại biểu cũng như số lượng Phó Chủ tịch HĐND các cấp để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế.

Sáng ngày 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tổ chức bộ máy và giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm khi thảo luận.

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 02 người xuống còn 01 người.

Theo ĐB Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước), việc giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cần phải được cân nhắc thận trọng. ĐB Tôn Ngọc Hạnh phân tích: Theo phương án của Chính phủ, giảm cào bằng tất cả các địa phương gồm cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là không hợp lý, không có tính thuyết phục cao.

“Nếu không xét điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả và dẫn đến việc phải sửa Luật thường xuyên”, ĐB Hạnh nói.

Cũng theo ĐB Hạnh, hiện khối lượng công việc của HĐND cũng rất lớn, nếu chỉ có Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách thì việc trao đổi khó khăn, việc quyết định những vấn đề lớn sẽ bị ảnh hưởng và hạn chế. Trong thực tiễn, các cơ quan dân cử cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời yêu cầu của cử tri và nhân dân đối với cơ quan dân cử ngày càng cao.

Từ thực tiễn địa phương, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 02 Phó Chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất một biên chế được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND lên Phó Chủ tịch theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 2003). Việc giữ nguyên số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của HĐND cấp tỉnh.

“Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí vào vị trí công việc nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tăng lên hay giảm đi?”, ĐB đề nghị.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm ( đoàn TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: quochoi.vn.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng việc sửa Luật phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan, sát với thực tiễn, yêu cầu đề ra, tránh chủ quan, duy ý chí.

ĐB Quyết Tâm dẫn chứng, trong đánh giá tác động, chỉ có 1 tỉnh đề nghị giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND. "Nếu chỉ dựa vào một ý kiến đó mà đưa vấn đề này ra thì liệu có hợp lý? ", ĐB Tâm băn khoăn.

Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, HĐND có vị trí, vai trò quyết định những vấn đề quan trọng cho sự phát triển của địa phương, có chức năng giám sát, đưa pháp luật vào cuộc sống… "Vì vậy, đi kèm theo đó, phải tổ chức ra HĐND các cấp như thế nào đó cho phù hợp, chứ không phải chỉ đưa ra mục tiêu giảm biên chế".

Theo ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, việc xem xét cơ cấu tổ chức, hay Phó Chủ tịch HĐND thì phải xem xét cho phù hợp với Hiến pháp hiện hành. Theo ĐB Vân, vấn đề số lượng ĐB, số lượng các ban và Phó Chủ tịch HĐND nên tùy theo yêu cầu của từng thời kỳ, vì thế không nên quy định cứng nhắc trong luật, để sau này phải sửa luật.

Đề cập đến việc giảm số lượng cấp phó, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, đi kèm với tinh giản biên chế nhưng vẫn phải gắn với nâng cao chất lượng hoạt động. "Giảm số lượng có làm giảm chất lượng hoạt động của bộ máy không? Phải đánh giá cho được hiệu quả hoạt động thế nào?...", ĐB Tám nêu.

Đồng tình với việc cấp huyện giảm còn 1 Phó Chủ tịch HĐND, song ĐB Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị: "Riêng cấp tỉnh phải có 2 Phó Chủ tịch HĐND để điều hành công việc hiệu quả. Ngoài nhiệm vụ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh còn nhiều công việc khác, nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch sẽ rất khó đảm đương công vụ”./.

Thu Hằng

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/thoi-su/can-danh-gia-tac-dong-that-ky-khi-giam-cap-pho-hdnd-525035.html