Cần có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch để thu hút 'tổng công trình sư', chuyên gia đầu ngành
Cần bổ sung cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch như yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW nhằm thu hút các nhà khoa học đầu ngành, 'tổng công trình sư' trong và ngoài nước để triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 8
Chiều 17/5, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận ở tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (1 luật sửa 7 luật).
Làm rõ quy định thời gian thường trú khi xin nhập quốc tịch Việt Nam
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, dự thảo Luật cần thể chế hóa được yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về vấn đề này.

ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu tại phiên thảo luận
Theo đại biểu, nhóm giải pháp thứ 4 nêu trong Nghị quyết 57- NQ/TW yêu cầu có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, nội dung này chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể nhằm thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW, qua đó tạo cơ chế thu hút, trọng dụng hiệu quả các chuyên gia, nhà khoa học, tổng công trình sư trong và ngoài nước.
Cũng liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đề nghị làm rõ quy định về điều kiện "thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên" để được nhập quốc tịch. Theo đại biểu, cần quy định rõ đây là thời gian thường trú liên tục hay cộng dồn. Đại biểu đề xuất nên tính tổng thời gian thường trú là 5 năm, có thể liên tục hoặc không liên tục.
Thời hạn phân bổ dự toán bổ sung 10 ngày là quá gấp
Thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) góp ý về nguyên tắc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách địa phương.

ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu tại phiên thảo luận
Cụ thể, Điều 39 dự thảo Luật quy định: “HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cụ thể nguồn thu, bao gồm tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách từng cấp ở địa phương phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, trình độ quản lý của từng vùng, từng địa phương.”
Tuy nhiên, theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2025) không quy định thẩm quyền của HĐND trong việc phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, đại biểu đề nghị sửa quy định tại Điều 39 thành: “HĐND tỉnh quyết định cụ thể nguồn thu, bao gồm tỷ lệ (%) phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách” hoặc quy định HĐND tỉnh có thể ủy quyền cho UBND tỉnh thực hiện việc phân cấp theo thẩm quyền.
Góp ý Điều 49, đại biểu cho rằng, việc yêu cầu đơn vị dự toán và UBND cấp dưới phải hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi được giao bổ sung là quá gấp.
“Nên xem xét chỉnh sửa thời hạn phân bổ dự toán tăng lên khoảng 15 ngày để đảm bảo thời gian đơn vị lập nhu cầu, phân bổ dự toán sát với thực tế; tránh trường hợp phân bổ gấp có thể dẫn đến phải điều chỉnh kinh phí, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách”, đại biểu đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng lưu ý đến việc hiện nay đang thực hiện sắp xếp lại tổ chức hành chính theo Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025, theo đó một số tỉnh không tổ chức cấp huyện, đồng thời sáp nhập nhiều đơn vị cấp xã. Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện chưa có quy định rõ ràng về quyết toán ngân sách năm 2025 trong bối cảnh thay đổi mô hình tổ chức này. Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính sớm bổ sung quy định phù hợp để bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện và quyết toán ngân sách.
Cần bổ sung cơ chế giám sát việc mua sắm phục vụ đổi mới sáng tạo
Cũng tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận
Theo đại biểu, việc tích hợp sửa đổi các luật nói trên trong một luật chung là bước đi phù hợp, nhằm hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý và thực thi chính sách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.
Góp ý nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu Đào Chí Nghĩa đánh giá cao việc quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tự quyết định mua sắm trong một số trường hợp, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Quy định này sẽ giúp tăng tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn triển khai các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, nhất là khi không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc dự thảo chỉ yêu cầu các đơn vị "bảo đảm đầy đủ chứng từ, hóa đơn" nhưng lại chưa làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra là chưa đủ chặt chẽ. Điều này có thể tạo kẽ hở cho tình trạng lạm dụng, thiếu minh bạch hoặc thất thoát tài sản công.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế giám sát và kiểm tra đối với các trường hợp tự quyết định mua sắm. Cụ thể, có thể yêu cầu báo cáo định kỳ hoặc thực hiện kiểm toán độc lập nhằm bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả sử dụng nguồn lực.