Cấm cho thuê căn hộ theo giờ: Không đúng với thực tế của thị trường

Bộ Xây dựng cho rằng, hành vi sử dụng căn hộ chung cư để cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm, hạn chế này không phù hợp với thực tế...

Bùng nổ mô hình cho thuê căn hộ theo thời gian ngắn

Gần đây, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều căn hộ chung cư được người dân mua, sau đó cải tạo tại để cho thuê theo giờ, ngắn ngày như hình thức homestay. Thậm chí nhiều người đã sớm nhìn ra “mỏ vàng” kinh doanh mới trong lĩnh vực này, đã tìm kiếm các chủ căn hộ có nhu cầu cho thuê và lập ra các trang web cho thuê tùy từng mục đích sử dụng.

Tình trạng này đang ngày càng phổ biến và phát triển mạnh với những địa phương đang phát triển du lịch mạnh như Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…Bên cạnh những lợi ích giúp chủ căn hộ tăng thêm thu nhập, thì việc cho thuê này cũng xảy ra nhiều vấn đề bất cập.

Như vừa qua, công an TP.HCM phát hiện nhiều nhóm đối tượng từ các địa phương khác đến thuê căn hộ chung cư cao cấp trên địa bàn TP.HCM để tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy, bay lắc và tổ chức mua bán dâm. Hay tại TP. Hà Nội cũng phát hiện đường dây môi giới mại dâm có sử dụng ma túy với khách trong một căn hộ chung cư cao cấp dạng "homestay”…

Nhiều căn hộ chung cư được người dân mua, sau đó cải tạo tại để cho thuê theo giờ, ngắn ngày. (ảnh minh họa)

Trước tình trạng này, nhiều cử tri tại TP.HCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng làm rõ tính pháp lý của việc cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể.

Theo Bộ Xây dựng, pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Luật Nhà ở 2014 đã quy định, chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm. Đồng thời tại Điều 6 của Luật Nhà ở 2014 cũng đã quy định nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư, theo Bộ Xây dựng, tại Điều 35 của Nghị định số 99 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật; thực hiện các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 6 của Luật Nhà ở...

Như vậy, pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Cấm hay thả nổi?

Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, hầu hết, các căn hộ cho thuê ngắn ngày thường hoạt động theo hình thức homestay gia đình tự phát và không thông báo với địa phương. Do đó, công tác quản lý gặp nhiều vấn đề và tạo ra một kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao... Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nên tìm ra giải pháp phù hợp, nới lỏng một phần quy định này, để kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đi qua.

Theo các chuyên gia, hiện mô hình cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày đã mang lại những lợi ích nhất định. Hình thức cho thuê này sẽ làm tăng cơ sở lưu trú, giúp khách du lịch có nhiều lựa chọn về chỗ ở để tiết kiệm chi phí. Nhất là trong giai đoạn cao điểm, khi các cơ sở lưu trú vượt quá công suất, các căn hộ cho thuê sẽ là giải pháp tốt để thu hút tối đa số lượng du khách. Chủ nhà cũng có thể tạo ra thu nhập từ việc cho thuê nhà, giúp người dân ổn định cuộc sống. Nếu quản lý tốt việc cho thuê, Việt Nam sẽ thu về một lượng ngoại tệ lớn, Nhà nước cũng có thể thu thuế từ việc làm này.

Mặt khác, khi người dân mua căn hộ, tức là đây là tài sản mà họ có quyền định đoạt, muốn cho ai thuê cũng là quyền của họ, miễn là các đối tượng không phải diện truy nã, thi hành án…Còn nếu nói, căn hộ cho thuê sẽ khiến phát sinh những tệ nạn, thì đó là trách nhiệm của quản lý tòa nhà, cơ quan an ninh, trật tự xã hội. Bởi nếu những cá nhân đó đã cố tình làm trái pháp luật thì không làm ở căn hộ này sẽ làm ở căn hộ khác. Ngay cả trong một tòa chung cư khi vấn đề về bài bạc, ma túy, mại dâm… xảy ra ở một vài căn chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của cư dân ở thực nơi đó, thì trách nhiệm này cũng thuộc về nhà quản lý.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nếu người dân có nhà và không có nhu cầu ở thì cho thuê là chuyện bình thường, miễn sao thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo pháp luật quy định. Nếu dùng luật và hành chính để cấm sẽ không đúng với thực tế thị trường. Chưa kể phát sinh ra các biến tướng khác khó kiểm soát được. Luật và các công cụ đều phải dựa trên tình hình thực tế thị trường, trừ khi những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng thì nên cấm. Còn các vấn đề liên quan đến an cư lạc nghiệp, chỗ ở thì nên kiểm soát tốt thay vì cấm.

Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày là một loại hình homestay cần khuyến khích. Chung cư có thể dùng để ở và có thể dùng cho nhiều việc khác, như cho thuê văn phòng, miễn là không ảnh hưởng đến những người khác. Bộ Xây dựng từng có những quy định như cấm căn hộ chung cư làm văn phòng, nhưng rồi cuối cùng cũng không triển khai được triệt để vì những điều quy định đưa ra không hoàn toàn phù hợp với cuộc sống. Nhất là cuộc sống có những quy luật của nó, và luật pháp phải dựa vào quy luật của cuộc sống. Nếu đưa ra những quy định không phù hợp thì sẽ không thực hiện được.

Minh Quân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cam-cho-thue-can-ho-theo-gio-khong-dung-voi-thuc-te-cua-thi-truong-post101600.html