Bài 3 - Hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư (HBĐT) - 'Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (MTĐTKD), Chỉ số PCI mỗi năm tối thiểu tăng 3 bậc. Từ thực tế đang diễn ra, nếu không có sự quyết tâm thay đổi thì sẽ không thể hoàn thành chỉ tiêu hết sức quan trọng này. Do vậy, mỗi sở, ban, ngành, huyện, thành phố, mỗi cá nhân các đồng chí lãnh đạo và qua các đồng chí truyền tải đến cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) của mình phải suy nghĩ, từ đó đổi mới tư duy, cách làm. Mong doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT) bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, thẳng thắn góp ý trên tinh thần xây dựng. Các sở, ngành không nên buồn mà chịu khó lắng nghe đóng góp của người dân, DN để tiến bộ hơn, cùng nhau đưa chất lượng dịch vụ công của tỉnh trong thời gian tới tốt hơn, giúp tỉnh có được MTĐTKD tốt, vì sự hài lòng của DN, NĐT. Mục tiêu cuối cùng là phát triển KT-XH để Nhân dân tỉnh Hòa Bình được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hưởng thành quả của sự phát triển' - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn chỉ đạo.
Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ "điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư, tạo sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ảnh chụp tại Công ty TNHH GGS Việt Nam - KCN bờ trái sông Đà. Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đề ra mục tiêu: Phấn đấu trong 5 năm, thu hút các dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức và các hỗ trợ khác để tăng nhanh về số lượng DN, HTX mới thành lập; giảm tỷ lệ DN, HTX giải thể, ngừng hoạt động. Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 5.000 DN, HTX hoạt động hiệu quả. Đối với năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu tăng thứ hạng chỉ số PCI và thuộc nhóm điều hành khá; các chỉ số thành phần đều được cải thiện tăng điểm số và thứ hạng. Để đạt mục tiêu đề ra, Sở KH&ĐT đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan báo cáo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính, đặc biệt là việc cắt giảm 30% thời gian đối với mỗi thủ tục hành chính (TTHC); kiểm soát TTHC và cơ chế "một cửa”, "một cửa liên thông” tại tất cả các sở, ban, ngành, UBND các cấp. Ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đảm bảo thực chất, khả thi. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong giải quyết các TTHC và tháo gỡ khó khăn giúp DN. Nâng cao nhận thức cho CB, CC về văn hóa công vụ. Chú trọng đào tạo, giáo dục đạo đức, lối sống; rèn luyện thái độ, hành vi ứng xử của CB, CC theo chuẩn mực quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện công vụ, bảo đảm sử dụng hiệu quả giờ làm việc, không gây khó khăn, phiền hà, kéo dài xử lý công việc; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... Đồng thời, UBND tỉnh nghiên cứu ban hành chính sách đảm bảo tính bao trùm, cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, NĐT; nâng cao tỷ lệ bao phủ quy hoạch (QH) xây dựng, rà soát điều chỉnh QH đất cấp huyện. Thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu về đất đai, xây dựng, công khai, minh bạch để cho công dân, DN khai thác sử dụng. Hoàn thiện Bộ chỉ số DDCI, đưa vào đánh giá chính thức năm 2022 và những năm tiếp theo, từ đó làm cơ sở đánh giá sự nỗ lực của các cơ quan trong cải thiện MTĐTKD của tỉnh. Với quyết tâm khắc phục yếu kém, xây dựng niềm tin với DN, NĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã giao các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức hội nghị phân tích chỉ số PCI, trong đó đánh giá những yếu kém, chỉ ra nguyên nhân đối với 10 chỉ số thành phần, kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình đối với các chỉ số và đề ra cho được các biện pháp khắc phục, trong đó lưu ý rà soát CC, VC không đảm bảo năng lực đối với nhiệm vụ được giao thì điều chuyển công tác khác. Giao Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư có vốn ngoài NSNN. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh theo lĩnh vực phụ trách phải thường xuyên đôn đốc các sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến chỉ số PCI. Hiệp hội DN tỉnh thường xuyên phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, SX-KD, việc nhũng nhiễu, gây khó khăn của CC, VC đến lãnh đạo tỉnh để có biện pháp xử lý theo quy định... Để cải thiện mạnh MTĐTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, DN cho đội ngũ CB, CC, VC. Xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; chuyển tư duy từ "cho phép”, "cấp phép” sang tư duy "phục vụ”; xử lý kỷ luật, khắc phục trình trạng "trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy trách nhiệm, các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian giải quyết TTHC. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập và trình phê duyệt QH tỉnh, QH đô thị, QH xây dựng vùng huyện, QH phân khu chức năng, QH nông thôn giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; rà soát điều chỉnh QH sử dụng đất cấp huyện cho phù hợp với QH tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kiến nghị với các bộ, ngành T.Ư đưa các định hướng, chỉ tiêu phát triển của tỉnh vào QH tổng thể quốc gia, QH đất quốc gia, QH ngành quốc gia, QH vùng liên tỉnh, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng rà soát, nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; ứng dụng CNTT để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của DN, người dân vào xây dựng chính quyền... UBND tỉnh cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, có tác động lớn tới phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời quan tâm thu hút các NĐT chiến lược nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, góp phần thu hút các NĐT khác đến nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh. Rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, dự án có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội để chuyển nhượng, dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư... Đặc biệt, để giải quyết vướng mắc về TTHC và giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài NSNN, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo: Quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách TTHC và cải thiện MTĐTKD của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ tiến tới giải quyết các TTHC về đất đai, tài nguyên, môi trường… trên không gian mạng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách TTHC, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết TTHC đối với tổ chức, cá nhân. Nâng cao tinh thần trách nhiệm giữa các sở, ngành trong phối hợp giải quyết các TTHC nhằm cắt giảm tối đa thời gian thực hiện, nhất là công tác thẩm định chủ trương đầu tư các dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT vào tỉnh. Quá trình triển khai GPMB phải thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng quy định của Nhà nước; xây dựng phương án GPMB không phân biệt dự án trong hay ngoài NSNN, phải huy động cả hệ thống chính trị hỗ trợ NĐT, nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Hàng năm rà soát, đánh giá CB, CC, kiên quyết xử lý ngay những CB, CC nhũng nhiễu, không đủ năng lực tham mưu để xảy ra tình trạng vướng mắc quá lâu không giải quyết được; luân chuyển, điều chuyển, bổ sung cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy không để một số cán bộ ngồi lâu với tư tưởng "quyền cao”, "chức oai” gây khó khăn cho DN, làm giảm năng lực cạnh tranh, làm chậm sự phát triển của tỉnh... Hoàng Nga