'Cai nghiện' TikTok cho con trẻ cần giải pháp từ nhiều phía
Một công cụ tốt hay xấu là do người dùng, tuy nhiên nếu nó tạo điều kiện thuận lợi cho cái xấu dễ hơn thì sẽ phải kiểm soát, điều chỉnh để tồn tại.
Gia đình đồng hành cùng con tham gia vào internet
Theo nhiều chuyên gia, không gian internet cũng giống như xã hội thực đều có mặt tốt mặt xấu. Nền tảng mạng xã hội bên cạnh những tác động tích cực thì cũng có những ảnh hưởng tiêu cực. Một công cụ tốt hay xấu là do người dùng, tuy nhiên nếu nó tạo điều kiện thuận lợi cho cái xấu dễ hơn thì sẽ phải kiểm soát, điều chỉnh để tồn tại. Đặc biệt với đối tượng trẻ em, cần có giải pháp để ngăn chặn ảnh hưởng xấu của nền tảng này với trẻ em.
“Trên thực tế, bên cạnh những thông tin tiêu cực, các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội nói chung đều có thông tin tích cực. Tuy nhiên, do “tâm lý đám đông”, thông tin tiêu cực luôn được phát tán nhanh hơn và để lại hậu quả nặng nề. Thậm chí, thông tin càng xấu độc thì nhiều người lại cho rằng càng gần với đời sống và chân thực, nên càng hưởng ứng”, chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn bày tỏ.
Theo khuyến cáo, trẻ em chỉ nên sử internet 2-3 giờ/ngày, song thực tế hiện nay, trẻ em Việt Nam sử dụng 5-7 giờ/ngày, gấp đôi so với khuyến cáo. Thời gian sử dụng internet chủ yếu của trẻ là tham gia mạng xã hội xem các video. Khi thời gian xem internet kéo dài sẽ làm giảm thời gian vận động của trẻ trong thực tế, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học, cai “nghiện” dù là internet hay mạng xã hội… đều không hề dễ dàng. Một điều rất quan trọng là không dừng hoạt động chơi game, sử dụng mạng xã hội… đột ngột.
“Cần có thời gian thích ứng. Thay vì dừng sử dụng đột ngột, hãy giảm dần thời lượng trong ngày dành cho ứng dụng đó. Bạn có thể tự đặt quy định về thời gian sử dụng và nghiêm túc thực hiện. Thời gian cứ giảm dần cho đến khi có thể kiểm soát được việc sử dụng các ứng dụng của bản thân”, ông Nam cho hay.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động thể chất như chơi thể thao, làm cho bản thân bận rộn. Rảnh rỗi sẽ khiến trẻ không biết làm việc gì ngoài việc đắm chìm trong trò chơi, mạng xã hội để giết thời gian. Những hoạt động này nên có sự đồng hành của gia đình, người thân và bạn bè thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.
“Đối với những trường hợp “nghiện” ở mức độ cao hơn thì có thể sử dụng đến tâm lý trị liệu. Tâm lý trị liệu là phương pháp bạn sẽ tiến hành cùng chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ, xác định và thay đổi những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi phiền muộn”, ông Nam cho biết thêm.
Đồng quan điểm, ông Ngô Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty An ninh mạng thông minh SCS cho biết, trước các nguy cơ hiện hữu của mạng xã hội, mấu chốt để bảo vệ trẻ em là sự đồng hành của gia đình, phụ huynh trong việc cùng con sử dụng internet.
“Sử dụng internet trong thời điểm hiện nay là xu thế tất yếu, song cha mẹ cần phải đồng hành cùng con trong quá trình tham gia internet, để con hiểu được sử dụng internet như thế nào là phù hợp, như thế nào là an toàn. Đồng thời, các gia đình cũng nên trang bị các giải pháp kỹ thuật để có thể chủ động phòng ngừa các nguy cơ từ internet”, ông Tuấn Anh cho hay.
“Với việc nâng cao nhận thức, đồng hành cùng các con, các giải pháp kỹ thuật kiểm soát internet an toàn từ wifi, công cụ chặn lọc cũng giúp giảm bớt các nguy cơ tác động xấu đến các con khi các con sử dụng internet. Các sản phẩm áp dụng mô hình điện toán đám mây, cho phép các trường triển khai nhanh chóng và dễ dàng sử dụng với mức chi phí hợp lý hàng tháng”, ông Tuấn Anh nêu rõ.
Nền tảng hoạt động tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật của Việt Nam
Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok. Việc kiểm tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 5/2023.
Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT): “TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo…”
Bộ đã có công cụ phát hiện những nội dung độc hại trên nền tảng xuyên biên giới, sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ về pháp lý. Cụ thể về kinh tế, các đại lý, trung gian thanh toán, doanh nghiệp không được quảng cáo, kinh doanh trên nền những tảng xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam.
Điều này bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật trong nước.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh, hiện nay trẻ em tiếp cận quá dễ dàng nội dung trên môi trường mạng, nhưng lại có nhiều thông tin xấu độc. Vì vậy, cả xã hội cùng bảo vệ trẻ em trên môi trường này.
“Để ngăn chặn các nền tảng xuyên biên giới, các kênh xấu độc vi phạm pháp luật Việt Nam, chúng ta sẽ đi theo phương án chặn dòng tiền trên không gian mạng để không chảy về nội dung xấu độc. Các doanh nghiệp không đưa dòng tiền của mình vào các nội dung xấu độc. Các nền tảng xuyên biên giới và các kênh xấu độc đang để người xem có thể cho tặng vào các kênh có nội dung phản cảm, lệch chuẩn, nên sẽ phải xem xét lại việc hợp tác từ các kênh thanh toán của Việt Nam đến các nền tảng này”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp căn cơ để người dùng không nghiện Internet, mạng xã hội hay “tiếp tay” cho thông tin xấu độc chính là nâng cao nhận thức của người dùng. Người dùng phải tham gia mạng xã hội với tâm thế chủ động, hiểu biết, không bị “thế giới ảo” dẫn dắt và phạm sai lầm./.