Cách thức chị em 'bà trùm' tuồn vàng lậu tới các tiệm vàng tại Hà Nội
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ban hành kết luận, đề nghị truy tố 25 bị can trong vụ án buôn lậu, trốn thuế xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty Vàng bạc Phú Quý và các đơn vị liên quan...
Tổ chức chặt chẽ ở các khâu...
Cầm đầu đường dây buôn lậu vàng số lượng đặc biệt lớn này là bị can Nguyễn Thị Hóa (sinh năm 1972, ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và em chồng bị can là Nguyễn Thị Gái (sinh năm 1970, cùng trú ở thị trấn Lao Bảo) và 21 người khác... Các bị can này cùng bị đề nghị truy tố tội “Buôn lậu”.
Liên quan, 2 bị can bị đề nghị truy tố tội “Trốn thuế” là Lê Xuân Tùng (sinh năm 1980, ở Hà Nội) - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý và kế toán doanh nghiệp này là Lê Thúy Quỳnh (sinh năm 1979, ở Hà Nội).
Việc tổ chức đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam do Nguyễn Thị Hóa, Nguyễn Thị Gái cùng bàn bạc, thực hiện và cùng góp vốn theo tỷ lệ 60 - 40.
![Bị can Nguyễn Thị Hóa và Lê Xuân Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_16_106_51489253/5a1ddbd6f7981ec64789.jpg)
Bị can Nguyễn Thị Hóa và Lê Xuân Tùng
Theo kết luận điều tra, đầu năm 2022, do có nhu cầu mua vàng nguyên liệu để chế tác, kinh doanh và biết Nguyễn Thị Hóa có thể cung cấp vàng nguyên liệu dạng thỏi từ Lào, nên 7 người là chủ 6 tiệm vàng ở Hà Nội đã liên hệ, đặt mua.
Nhóm 7 người trên gồm Trần Anh Sơn, quản lý tiệm vàng Minh Hưng; Nguyễn Thị Vân, quản lý tiệm vàng Kim Linh; Đặng Văn Định, chủ tiệm vàng Minh Phúc; Trần Công Quán, chủ tiệm vàng Nhật Vượng; Đàm Anh Tuấn, chủ tiệm vàng Tuấn Quang; Nguyễn Khắc Bồng cùng Lê Minh Tuân, chủ tiệm vàng Tuân Đức.
Theo đơn đặt hàng của 6 tiệm vàng, bị can Nguyễn Thị Hóa cùng Nguyễn Thị Gái đã thiết lập, điều hành đường dây buôn lậu vàng với nhiều đối tượng tham gia theo từng công đoạn, được tổ chức chặt chẽ từ khâu mua, vận chuyển đến tiêu thụ.
Cụ thể, từ khoảng tháng 5 - 2023 đến khi vụ án bị triệt phá, Thoong Nhã (đối tượng bán vàng cho chị em Hóa) không tổ chức vận chuyển vàng nữa nên Hóa phải tự tổ chức nhận vàng từ Thoong Nhã tại Lào rồi đưa về Việt Nam.
Thực hiện hành vi buôn lậu, Hóa gửi ngoại tệ (đô la Mỹ) sang Lào trước cho một đối tượng tên È, gần biên giới. Sau đó, các bị can là người trong gia đình hoặc có họ gàng gần gũi với Hóa đi xe máy sang Lào, nhận ngoại tệ từ È rồi thuê xe khách đến nhà Thoong Nhã tại Viêng Chăn đề thanh toán tiền mua vàng và mang vàng về cho È.
Để đưa vàng về Việt Nam, Hóa lợi dụng chính sách là cư dân biên giới chỉ cần sử dụng căn cước công dân có thể đi qua cửa khẩu. Nhóm này đi xe máy hoặc xe đạp điện qua cửa khẩu Lao Bảo sang nha È nhận vàng thỏi được bọc vào túi nilon màu đen.
Vàng lậu sau đó được buộc vào bụng hoặc cất giấu ở trong thắt lưng quần phía trước bụng. Nhóm này còn mua kèm hàng hóa như các loại (sữa, nước lọc, mì tôm, lạp xưởng...) để mang về nhằm tránh bị kiểm tra khi đi qua cửa khẩu. Mỗi người sẽ mang một thỏi có trọng lượng khoảng 1 kilogram trong mỗi lần buôn lậu.
Dùng người thân thích, tin cậy
Cũng theo kết luận điều tra, sau khi vàng lậu được chuyển từ Lào về thị trấn Lao Bảo, chị em “bà trùm” Hóa tiếp tục sử dụng những đối tượng thân thích là Nguyễn Hữu Phương, Nguyễn Hữu Bình (em ruột Hóa); Nguyễn Văn Diễn, Nguyễn Văn Diệm, Nguyễn Văn Thương (chú ruột chồng Hóa) cùng nhiều người thân tín khác để “tuồn” vàng ra Hà Nội giao cho 6 tiệm vàng và nhận tiền về. Cách thức vận chuyển vàng lậu từ Lao Bảo ra Hà Nội được thực hiện như sau: Các bị can cho các thỏi vàng vào túi vải, buộc quanh bụng, sau đó mặc áo khoác bên ngoài để che chắn hoặc dùng giấy báo, túi nilon bọc các thỏi vàng, rồi cho vào ba lô đeo trên người. Mỗi chuyến thường từ 3 - 10 thỏi vàng, mỗi thỏi tương ứng với 1 kilogram.
Những người vận chuyển vàng lậu cho chị em “bà trùm” thường đón ô tô khách từ Lao Bảo lên thành phố Đông Hà (Quảng Trị) vào lúc chập tối. Sau đó, tiếp tục đón ô tô khách ra Hà Nội, đến nơi giao hàng khoảng tờ mờ sáng ngày hôm sau. Những người này sau đó đón “xe ôm” đến các tiệm vàng giao hàng và nhận tiền hoặc đô la Mỹ mang về giao cho chị em Hóa. Mỗi chuyến vận chuyển vàng lậu từ Lao Bảo ra Hà Nội, người thân của Hóa, Gái được trả công từ 2 - 4 triệu đồng.
Cùng với cách thức trên, chị em “bà trùm” còn sử dụng phương thức giao dịch thông qua xe ô tô khách tuyến cố định. Vàng lậu lúc này được chuyển từ thành phố Đông Hà (Quảng Trị) hoặc thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) để ra Hà Nội. Những người liên quan sẽ thống nhất địa điểm, thời gian giao vàng và nhận tiền về giao cho chị em Hóa.
Với cách thức, thủ đoạn nêu trên và theo đặt hàng của 7 cá nhân, thuộc 6 tiệm vàng tại Hà Nội, từ ngày 22-12-2022 đến ngày 13-6-2024, đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam do chị em Hóa điều hàng đã buôn bán trái pháp luật 310 kilogram vàng với tổng giá trị hơn 454 tỷ đồng...
Liên quan tới hành vi trốn thuế của bị can Lê Xuân Tùng và Lê Thúy Quỳnh, thuộc Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý, Cơ quan điều tra làm rõ từ ngày 27-5 đến ngày 13-6-2023, Trần Anh Sơn (người thuộc tiệm vàng Minh Hưng, địa chỉ tại phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đặt mua 128 kilogram vàng từ chị em Hóa với tổng giá trị hơn 188,5 tỷ đồng...
Quá trình buôn lậu vàng, Sơn chỉ đạo nhân viên tiệm vàng nhận hàng lậu hoặc bị can này trực tiếp ra bến xe nhận vàng và đưa tiền cho người của chị em “bà trùm” hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Sau khi mua vàng lậu của chị em Hóa, Sơn phân kim để tăng số vàng, chất lượng vàng, rồi bán lại cho Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý và một số đơn vị, khách lẻ.
Kết quả điều tra đã làm rõ năm 2021, Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý có doanh thu thực tế là hơn 3.951 tỷ đồng, nhưng chỉ khai báo doanh thu là hơn 1.860 tỷ đồng, chênh lệch hơn 2.090 tỷ đồng. Việc kê khai không đầy đủ doanh thu và số thuế phải nộp này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6 tỷ đồng.