Cách nào cứu những dòng sông 'chết' ở Hà Nội?

Những con sông ở Hà Nội không còn là sông đúng nghĩa bởi chúng chỉ còn chức năng chuyên chở nước thải cho thành phố. Mùi hôi thối, nước đen ngòm là đặc điểm dễ thấy nhất.

Những dòng sông "chết" ở Hà Nội

Di dọc 4 con sông ở Hà Nội gồm Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét không khó để tận mắt chứng kiến những ống cống nước thải đen ngòm đổ thẳng ra sông. Sau nhiều năm Hà Nội lên kế hoạch hồi sinh 4 con sông gồm Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Tích, hiện nay các sông này đa phần vẫn ô nhiễm nặng nề.

Bắt đầu từ năm 2008, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước sông Tô Lịch. Từ đó đến nay, nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên con sông này như lắp bè thủy sinh, xây dựng cống bao. Thế nhưng, với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, qua hơn 300 cống xả thải trực tiếp, đến nay, nước sông Tô Lịch vẫn chưa thể chuyển màu từ đen sang xanh.

Nhiều con sông ở Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ còn chức năng vận chuyển nước thải.

Nhiều con sông ở Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ còn chức năng vận chuyển nước thải.

Bên cạnh sông Tô Lịch, sông Nhuệ cũng đang dần trở thành con sông chết khi đang phải "gồng gánh" gần 2.500 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; khu công nghiệp, cơ sở y tế, làng nghề. Cách sông Nhuệ không xa, sông Đáy cũng luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối.

Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhiều thời điểm, chất lượng môi trường nước sông Đáy thường xuyên thuộc nhóm kém nhất trong 5 lưu vực sông ở miền Bắc.

Tuy mức độ ô nhiễm nhẹ hơn, song đời sống người dân ven sông Tích cũng bị ảnh hưởng. Nhiều đoạn chưa được nạo vét, khơi thông dòng chảy ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thoát nước.

Một dự án đưa nước sông Đà vào sông Tích phục vụ sản xuất đã được triển khai từ năm 2022. Giai đoạn II của dự án, dự kiến hoàn thành vào năm 2025, song vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để có thể đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Trước đó, dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích được phê duyệt từ năm 2010 song vẫn chưa về đích.

Theo thống kê, mỗi ngày có đến cả trăm nghìn mét khối nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý được xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Ngoài nước thải, trên mặt sông xuất hiện rất nhiều rác thải nổi lềnh bềnh gây ô nhiễm.

Sông Nhuệ cũng đang trong tình trạng ô nhiễm rất nặng. Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt từ các quận nội thành Hà Nội đổ vào sông Tô Lịch rồi chảy vào sông Nhuệ. Ngoài ra, sông Nhuệ còn là nơi tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề.

Cách nào hồi sinh những dòng sông đã "chết"?

PGS. TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là người nghiên cứu, đưa ra công nghệ lọc nước sông Tô Lịch thành nước có thể uống ngay được. Về giải pháp hồi sinh "sông chết", ông Côn cho biết việc đầu tiên cần phải làm là tách toàn bộ những nguồn nước thải trực tiếp vào sông để xử lý.

"Có thể xử lý theo kiểu không tập trung tức là xây những trạm xử lý nước thải nhỏ tùy theo khu vực dân cư, tính chất nước thải. Hoặc xử lý tập trung là thu gom nước thải dọc sông về một nơi để xử lý. Nước thải sau khi xử lý mới được thải ra sông", PGS. TS Trần Hồng Côn cho biết.

Ví dụ về sông Tô Lịch, PGS Côn cho biết dòng sông này không có nguồn lưu thông. Do đó nếu chỉ xử lý nước thải rồi đổ ra sông thì cũng chưa thể giúp sông hồi sinh. Vào mùa khô, sông Tô Lịch chỉ có khoảng 20-30cm nước khiến động thực vật thủy sinh khó sống. Muốn có sự sống thì cần mực nước từ 0.5-1m trở lên. Khi đó, động thực vật thủy sinh sống được thì sông mới có khả năng tự làm sạch.

"Sau khi tách, xử lý nước thải triệt để thì sông sẽ mất mùi hôi thối. Nếu giữ được mực nước thì khoảng 1 năm sau, sông có thể bắt đầu tự làm sạch, tự điều hòa được", PGS Côn nhận định.

Ông Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho biết, để hồi sinh các dòng sông chết, không có cách nào khác là phải chặn nguồn nước thải. Nói đúng hơn là phải kiểm soát, xử lý nguồn thải trước khi đổ vào sông. Lượng nước thải khắp nơi hằng ngày vẫn đổ vào các con sông trong nội đô thì tình trạng ô nhiễm sẽ không những được cải thiện mà ngày một ô nhiễm trầm trọng hơn.

Nguyên tắc xử lý ô nhiễm các dòng sông chết là bắt buộc nước phải qua xử lý mới được đưa ra sông. Về mùa cạn thì phải dùng hệ thống bơm để tạo nguồn, tạo dòng chảy, tránh tình trạng lòng sông bị bồi lắng.

Trước đây cũng có một số nhà khoa học nghiên cứu đề xuất làm mấy con đập nâng mực nước sông Hồng, sông Đuống tạo nguồn cho sông đang bị ô nhiễm, tuy nhiên phương án này cần phải xem xét kỹ lưỡng. Xây đập để dâng nước có thể làm tắc nghẽn dòng sông, cản trở giao thông thủy, dòng chảy bị thay đổi thì rất nguy hiểm.

Để xử lý ô nhiễm môi trường dòng sông thì không chỉ đầu tư hạ tầng mà còn đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Tất cả nước thải phải được xử lý trước khi đưa ra sông.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nhà nước nên tính toán đến phương án xây đập ngăn trên sông Hồng và sông Đuống, vào mùa cạn khi nước dâng cao sẽ đủ chảy vào sông Đáy, sông Nhuệ… đang ô nhiễm. Nguyên tắc mùa lũ đập sẽ mở để thoát nước. Ngoài ra, khi triển khai thì cũng tính toán đường thủy, tàu bè qua lại ra sao khi vận hành đập.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-nao-cuu-nhung-dong-song-chet-o-ha-noi-169230821171116326.htm