Các tín đồ Công giáo hồi hộp chờ đợi Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới

Tất cả 133 hồng y đủ điều kiện bầu chọn Giáo hoàng tiếp theo đã có mặt tại Rome, Italia sẵn sàng tham dự Mật nghị Hồng y sẽ bắt đầu tại Nhà nguyện Sistine từ ngày 7/5. Toàn bộ hồng y đều phải tuyên thệ giữ bí mật trước khi bắt đầu bỏ phiếu hai lần mỗi ngày để chọn một trong số những người tham dự làm Giáo hoàng.

Khi bước vào mật nghị, người tham gia sẽ phải nộp lại toàn bộ các thiết bị điện tử, gồm điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh. Bất kỳ thiết bị ghi hình hoặc thu tiếng nào đều không được phép sử dụng. Vatican rất coi trọng việc bảo mật hoàn toàn nên có lực lượng cảnh sát riêng để thực thi các quy tắc. Thiết bị gây nhiễu điện tử được lắp đặt để đảm bảo tín hiệu điện thoại và wifi không truyền ra hoặc vào.

Lực lượng an ninh đã lắp đặt 80 cánh cửa trong và xung quanh địa điểm tổ chức mật nghị, niêm phong bằng chì để ngăn không cho mọi người ra vào. Việc phong tỏa không chỉ nhằm mục đích giữ bí mật cho quá trình bỏ phiếu, mà còn để ngăn chặn các "thế lực đen tối" ăn cắp thông tin hoặc phá hoại các thủ tục.

Ngoài ra, những quy tắc nghiêm ngặt cũng nhằm đảm bảo cho những người bỏ phiếu không bị thế giới bên ngoài tác động vào một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời của họ.

Mật nghị Hồng y sẽ bắt đầu tại Nhà nguyện Sistine từ ngày 7/5. Ảnh: Reuters

Mật nghị Hồng y sẽ bắt đầu tại Nhà nguyện Sistine từ ngày 7/5. Ảnh: Reuters

Hồng y William Goh cho biết: “Chúng tôi ủng hộ bất kỳ ai là người giỏi nhất. Chúng tôi không chọn giáo hoàng dựa trên lục địa, dựa trên chủng tộc, dựa trên ngôn ngữ. Chúng tôi chọn một giáo hoàng thực sự có thể là người kế nhiệm xứng đáng, người có thể chăm sóc cho toàn thế giới".

Mật nghị Hồng y thường kéo dài trong nhiều ngày với nhiều cuộc bỏ phiếu kín trước khi một ứng cử viên giành được đa số phiếu cần thiết để trở thành Giáo hoàng, lãnh đạo tinh thần của 1,4 tỉ tín đồ Công giáo trên thế giới. Một trong những biểu tượng quen thuộc của mật nghị là ống khói huyền thoại gắn trên mái Nhà nguyện Sistine. Các lá phiếu bầu Giáo hoàng mới sau khi được kiểm đều sẽ được đốt.

Sau mỗi vòng bỏ phiếu, nếu chưa bầu được Giáo hoàng, người ta sẽ đốt phiếu với các hóa chất để tạo khói đen. Trong khi đó, khói màu trắng sẽ báo hiệu một tân Giáo hoàng đã được lựa chọn. Thời gian gần đây, nổi lên các ứng cử viên tiềm năng kế nhiệm Giáo hoàng Francis như Hồng y người Italia Pietro Parolin và Hồng y người Philippines Luis Antonio Tagle. Mặc dù vậy, tới thời điểm sắp diễn ra mật nghị, vẫn khó để có thể dự đoán ai sẽ trở thành Giáo hoàng tiếp theo.

Chính yêu cầu bí mật tuyệt đối trong suốt mật nghị biến đây thành một trong những sự kiện quan trọng được công chúng và các tín đồ Công giáo nói riêng theo dõi và chờ đợi: "Hy vọng Giáo hoàng tiếp theo sẽ là một vị Giáo hoàng giống như Giáo hoàng Francis - người đã dành trọn tình yêu, trái tim mình cho thế giới, cho người dân, cho những người nghèo nhất, cho những người khiêm nhường nhất, cho tất cả những người thiệt thòi. Tôi hy vọng chúng ta may mắn và sẽ có một vị Giáo hoàng giống như ngài Francis".

"Những người nghèo khó nhất cảm thấy Giáo hoàng Francis rất gần gũi. Do đó, tôi tin rằng, những đóng góp của ngài vẫn còn rất mạnh mẽ theo nghĩa này. Vâng tôi rất hy vọng người kế nhiệm ngài cũng sẽ như vậy".

Dự kiến hàng ngàn tín đồ sẽ tập trung tại quảng trường trước Vương cung thánh đường Thánh Peter để chờ đợi thông báo về người kế nhiệm Giáo hoàng Francis - người đã qua đời vào ngày 21/4 ở tuổi 88.

Phương Anh/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cac-tin-do-cong-giao-hoi-hop-cho-doi-mat-nghi-hong-y-bau-giao-hoang-moi-post1197431.vov