Các nước giàu có thể phải vứt bỏ hơn 240 triệu liều vaccine
Dù lãnh đạo thế giới cam kết tiêm chủng toàn cầu, nghiên cứu cho thấy nước giàu vẫn dư thừa vaccine và nhiều liều có thể phải vứt bỏ trong khi nước nghèo không đủ vaccine sử dụng.
Lên máy bay đến Iran vào mùa hè này, Bahar rất vui mừng khi được gặp lại cha mình lần đầu tiên sau 4 năm. Tuy vậy, Bahar không biết Covid-19 đã xé toạc đất nước mình và cả gia đình cô trong làn sóng dịch thứ 2, BBC đưa tin ngày 22/9.
Đầu tiên, một người bạn của gia đình đang chuẩn bị lễ cưới cho con trai bà thì mắc bệnh. Bà đã không qua khỏi ngay sau đó. Tiếp theo là chú của Bahar, rồi tới một người bác gái lớn tuổi.
Cảm giác tội lỗi trĩu nặng
Bahar lo lắng một cách tuyệt vọng về bà của mình. Bà của cô mới chỉ tiêm một liều vaccine phòng Covid-19 và vẫn đang đợi mũi thứ 2.
Bahar 20 tuổi và sống ở Mỹ, nơi cô đã tiêm phòng từ tháng 4.
Dù biết mình đã được bảo vệ phần nào, những ngày cuối cùng của chuyến thăm nhà, cô sống trong lo lắng khi không biết virus corona sẽ tấn công ai tiếp theo. Rất ít thành viên trong gia đình cô đã được chủng ngừa ở một đất nước có nguồn cung vaccine thấp.
Ngay sau khi trở về Mỹ, cô phát hiện ra cha mình mắc Covid-19.
"Điều đó giống như cảm giác tội lỗi của người sống sót", cô nói. "Tôi rời Iran hoàn toàn ổn, hoàn toàn khỏe mạnh chỉ vì tôi đã tiêm hai mũi vaccine Pfizer".
Cha Bihar đã bình phục, nhưng nhiều người thân lớn tuổi thì không. "Tôi cảm thấy khá tội lỗi khi biết điều đó", Bihar chia sẻ.
Sự mất cân bằng về nguồn cung vaccine đã có số liệu thống kê đầy đủ. Hơn một nửa thế giới vẫn chưa được tiêm dù chỉ một liều vaccine Covid-19.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, 75% vaccine Covid-19 được chuyển đến 10 quốc gia. Cơ quan Tình báo Kinh tế tính toán một nửa số vaccine được sản xuất cho đến nay đã đến tay 15% dân số thế giới. Những quốc gia giàu nhất thế giới sử dụng số lượng vaccine nhiều gấp 100 lần so với những quốc gia nghèo nhất.
Các nước giàu nhất thế giới có thể có 1,2 tỷ liều vaccine không cần tới
Vào tháng 6, các thành viên của G7 - Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ - đã cam kết tài trợ một tỷ liều vaccine cho các nước nghèo trong năm 2022.
“Tôi đã mỉm cười khi thấy điều này”, Agathe Demarais - tác giả chính của báo cáo gần đây về nguồn cung vaccine toàn cầu tại Cơ quan Tình báo Kinh tế và là một cựu quan chức ngoại giao - nói. "Tôi đã từng thấy điều này rất nhiều lần. Và nó sẽ không bao giờ xảy ra”.
Vương quốc Anh cam kết tặng 100 triệu liều vaccine trong số đó, song cho đến nay nước này mới chỉ quyên góp được chưa đầy 9 triệu liều. Tổng thống Biden cam kết tặng 580 triệu liều và tới nay Mỹ đã giao 140 triệu liều. Và khối EU cam kết 250 triệu liều vào cuối năm nay và hiện mới gửi được khoảng 8% con số này.
Giống như nhiều quốc gia có thu nhập trung bình, Iran đã mua vaccine từ Covax, chương trình toàn cầu do WHO hỗ trợ để tiêm vaccine ở những nơi cần thiết nhất.
Covax mua vaccine và sau đó bán với giá rẻ cho các nước có thu nhập trung bình và quyên tặng cho các nước nghèo.
Nhưng Covax phải đối mặt với vấn đề lớn về nguồn cung. Tổ chức này đã lên kế hoạch phân phối 2 tỷ liều vào năm 2021 với hầu hết đến từ một cơ sở ở Ấn Độ nhưng khi làn sóng dịch thứ hai khiến Ấn Độ tê liệt vào tháng 5, chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu.
Kể từ đó Covax phải phụ thuộc vào những liều vaccine do các nước giàu quyên tặng. Và nguồn cung đã bị chậm lại, tỷ lệ tiêm vaccine ở một số nước tiếp nhận vẫn chưa tới 2% dân số.
“Các liều vaccine được chia sẻ đang ở mức độ thấp, với hạn sử dụng ngắn hơn mức lý tưởng, làm gia tăng những công việc hậu cần đối với việc phân bổ và cung cấp chúng đến các quốc gia có thể tiếp nhận”, bà Aurélia Nguyen - Giám đốc điều hành Chương trình Covax - cho biết.
Đó không phải là vấn đề cung cấp toàn cầu. Theo Airfinity, một công ty phân tích khoa học nghiên cứu về nguồn cung toàn cầu, các quốc gia giàu có đang tích lũy dư thừa vaccine. Các nhà sản xuất vaccine hiện sản xuất 1,5 tỷ liều mỗi tháng, 11 tỷ liều sẽ được sản xuất vào cuối năm nay.
“Số liều vaccine được sản xuất rất lớn. Sản lượng tăng lên rất mạnh trong vòng ba hoặc bốn tháng qua”, tiến sĩ Matt Linley, trưởng nhóm nghiên cứu tại Airfinity, cho biết.
Các quốc gia giàu nhất thế giới có thể có 1,2 tỷ liều mà họ không cần đến - ngay cả khi những nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng mũi tăng cường.
Tiến sĩ Linley cho biết 1/5 trong số đó - 241 triệu liều vaccine - có thể bị lãng phí nếu chúng không được quyên tặng sớm. Các liều vaccine quyên tặng cho nước nghèo phải tới nơi ít nhất 2 tháng trước khi hết hạn thì việc sử dụng mới khả thi.
“Tôi không nghĩ rằng các quốc gia giàu đã tham lam trong câu chuyện này, hơn nữa là họ đã không biết loại vaccine nào sẽ hiệu quả nên phải mua một số loại”, tiến sĩ Linley nhận định.
Với nghiên cứu mới nhất của mình, Airfinity hy vọng sẽ cho các chính phủ thấy nguồn cung cấp vaccine đang rất tốt và họ không cần phải giữ lại lượng vaccine dôi dư. Thay vào đó, họ có thể quyên góp những liều vaccine chưa cần tới lúc này và tin tưởng rằng nhiều liều vaccine sẽ ra lò trong những tháng tới.
“Họ không muốn thiếu cẩn trọng. Điều đó cũng xuất phát từ áp lực chính trị trong nước bởi một phần cử tri có thể sẽ không hài lòng khi thấy vaccine được đem đi tặng, nếu vẫn có cảm giác rằng trong nước cần vaccine”, bà Agathe Demarais nói.
Bà Aurélia Nguyen cho rằng giải quyết bất bình đẳng vaccine không chỉ là hành động của các chính phủ.
“Chúng tôi cũng cần các nhà sản xuất đáp ứng cam kết công khai với Covax và ưu tiên chúng tôi hơn giao dịch song phương với những quốc gia đã có đủ liều lượng”, bà nói.
Nếu các nhà sản xuất vaccine toàn cầu hiện sản xuất hơn 1,5 tỷ liều mỗi tháng, câu hỏi đặt ra là tại sao rất ít trong số đó đến được các nước nghèo.
“Khi nhu cầu của Covax rất lớn, chính phủ các nước nên đổi chỗ, nhường Covax lên trước để chúng tôi có thể nhận được số lượng vaccine mà chúng tôi đã đặt hàng từ sớm”, bà nói.
Đối với Bahar và gia đình cô, những liều vaccine này không chỉ là những con số mà còn là cuộc sống, là bạn bè và gia đình.
Cứ sau vài ngày, cô lại nghe một câu chuyện khác về một người chết vì Covid-19. Khi bạn bè ở trường đại học nói họ không muốn tiêm phòng, cô đã cố gắng tranh luận với họ nhưng cô không thể làm được. Điều đó thật khó chịu.
“Tôi cố gắng để cục tức trôi đi, nhưng thực sự quá khó chịu khi thấy mọi người đang không sử dụng đặc quyền mà họ có được”, Bihar nói.