Các nhiệm vụ khoa học - công nghệ phải có tính mới, khả năng ứng dụng cao
Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã có công văn mời các sở, ngành, huyện, thành, các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học - công nghệ (KHCN) đề xuất và đặt hàng nhiệm vụ KHCN năm 2025 - 2026.

Nghiên cứu quy trình nuôi trồng nấm ăn
Theo đó, Sở yêu cầu các nhiệm vụ KHCN đề xuất phải bám sát các mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, huyện, thành phố; có tính mới, tính cấp thiết, khả năng ứng dụng cao; không trùng lắp với các nhiệm vụ KHCN đã và đang triển khai trên địa bàn Lâm Đồng; cơ quan, tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu phải có năng lực để tiếp nhận và triển khai hiệu quả kết quả tạo ra.
Sở cũng đã định hướng đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KHCN, cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào các nghiên cứu như: Ứng dụng giải pháp IOP trong canh tác nông nghiệp; nghiên cứu canh tác nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, kinh tế tuần hoàn gắn với tín chỉ cacbon hướng đến sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn môi trường. Nghiên cứu, ứng dụng KHCN nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh: rau, hoa, chè, cà phê, dược liệu, bò sữa, bò thịt, cá nước lạnh, nấm ăn, nấm dược liệu; ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sau thu hoạch các nông sản chủ lực. Nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện của tỉnh; bảo tồn, di thực và thương mại hóa nguồn gen đặc hữu các loại cây trồng; nghiên cứu xử lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông nghiệp; nghiên cứu đánh giá tác động nhà kính đối với cảnh quan môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp; nghiên cứu các biện pháp cải tạo, phục hồi chất lượng đất trong nhà kính đáp ứng yêu cầu sản xuất ngoài trời, sản xuất hữu cơ; nghiên cứu tuyển chọn và phát triển một số giống rau, hoa phù hợp với sản xuất ngoài trời có hiệu quả kinh tế cao phục vụ vùng rau, hoa của tỉnh.
Về lĩnh vực công nghiệp, quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến sâu, bảo quản sản phẩm… phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất các loại vật liệu tiên tiến, vật liệu xây dựng. Nghiên cứu công nghệ, thiết bị phục vụ quá trình tái chế, tái sử dụng chất thải trong hoạt động sản xuất của các ngành. Giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu và năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh hướng đến các thị trường tiềm năng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Mỹ, châu Âu và các nước Trung Đông.
Về lĩnh vực xã hội nhân văn và quản lý, chú trọng nghiên cứu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa của tỉnh. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm, mô hình du lịch mới, đặc thù phù hợp với điều kiện và thế mạnh phát triển du lịch của từng địa phương trong tỉnh. Về lĩnh vực y dược, bảo tồn, di thực và phát triển các loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu; phát triển Lâm Đồng thành vùng trồng cây dược liệu, chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng.
Về lĩnh vực môi trường, ưu tiên nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý môi trường từ nguyên liệu địa phương. Ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực thông qua công tác quản lý kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong hoạt động kinh doanh vận tải. Các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.