Các nhà khoa học Nga đề xuất in 'thịt sạch'
Công nghệ tạo ra các sản phẩm thịt trên máy in 3D được đề xuất tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Donsky.

Công nghệ tạo ra các sản phẩm thịt trên máy in 3D. Ảnh: Sputnik
Theo lời các phát triển gia, công nghệ này không chỉ cho phép tổng hợp thịt nhân tạo không cần mọi khâu giết mổ động vật mà còn có thể "lập trình" các thành phần của thịt, ví dụ, để thu được sản phẩm với hàm lượng chất béo thấp hơn.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Bioscience - Landmark.
Như đánh giá của cơ quan chuyên trách thuộc Liên Hợp Quốc, dân số Trái Đất sẽ đạt đến mốc gần 10 tỷ người vào năm 2050. Theo quan điểm của các chuyên gia từ Đại học Kỹ thuật Quốc gia Donsky, như vậy đòi hỏi phải có thêm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kỹ thuật sản phẩm. Một trong những lĩnh vực triển vọng đầy hứa hẹn cho phép cung cấp thực phẩm protein chất lượng cao để nuôi sống nhân loại đang ngày càng đông đúc chính là công nghệ in sinh học 3D, ví dụ như in ra các sản phẩm thịt.
"Để in ra thịt nhân tạo, các tế bào được lấy từ động vật hiến tặng bằng con đường sinh thiết, sau đó nhân lên trong điều kiện thoải mái cho chúng (tạo ra nền nuôi cấy tế bào). Từ vật liệu này, có thể in ra một sản phẩm ba chiều mà hương vị rất giống với thịt, các nhà nghiên cứu của trường đại học vùng sông Đông cho biết. Một động vật hiến tặng có thể là nguồn cung cấp nhiều thực phẩm hơn so với phương pháp chiết xuất thịt "truyền thống" trực tiếp từ cơ thể động vật sau khi giết mổ", bà Evgenya Kirichenko, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Sinh học thuộc Khoa Kỹ thuật Sinh học và Thú y của Đại học Kỹ thuật Quốc gia Donsky nhấn mạnh.
"Công nghệ này có thể áp dụng với tế bào của bất kỳ loài động vật thuần hóa nào. Trong tương lai, phát minh của chúng tôi có thể giúp giảm chi phí sản xuất thịt gia súc gia cầm xuống 20-30% nhờ tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình", chuyên gia giải thích.
Không giống các dự án tương tự, chiến lược của các chuyên gia Đại học Kỹ thuật Quốc gia Donsky dự trù không tính đếm thủ công các loại tế bào khác nhau trong sản phẩm thịt để kiểm soát chất lượng, mà dùng một hệ thống tự động.
"Chúng tôi đã phát triển thuật toán có thể xác định và đếm tế bào mỡ, nguyên bào sợi và tế bào cơ trong các mảng nuôi cấy với độ chính xác đến 92%, giảm thời gian phân tích từ 15-20 phút khi đếm thủ công xuống còn 1-2 giây khi đếm tự động. Những tế bào này phân định giá trị dinh dưỡng của sản phẩm", bà Kirichenko cho biết.
Bà nói thêm rằng để thu được thịt nhân tạo, đã sử dụng tế bào thỏ châu Âu nhà nuôi, cấy từ tế bào gốc trung mô và nguyên bào sợi (tế bào mô liên kết của da và gân). Sản phẩm thịt làm từ natri alginat, protein hướng dương và tế bào được in trên máy in 3D cải tiến với đầu in độc đáo do Đại học Kỹ thuật Quốc gia Donsky sáng chế.
Các chuyên gia khoa học vùng sông Đông của nước Nga có kế hoạch hoàn thiện công cụ đếm tế bào thuộc nhiều loại khác nhau và sẽ cung cấp cho tất cả các phòng thí nghiệm ở Nga.