Các địa phương chủ động ứng phó bão số 5

Bộ đội giúp ngư dân sơ tán đồ vào đất liền tránh bão. Ảnh: ANH KIỆT

Để đảm bảo an toàn cho người dân khi có bão, các địa phương trong tỉnh đã tích cực có các biện pháp ứng phó.

TP Tuy Hòa: Trên 400 hộ dân được di dời đến nơi an toàn

Theo ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, đến chiều 30/10, địa phương đã chủ động đi dời trên 400 hộ dân với khoảng 1.400 nhân khẩu ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đó là các hộ dân ở khu vực phường 6, phường Phú Đông và xã An Phú, nơi thường xuyên bị uy hiếp bởi triều cường mỗi khi có mưa lớn. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các xã, phường vận động người chăn nuôi đưa vật nuôi lên cao.

Đồng thời, trên các công trường đang triển khai trên địa bàn thành phố, tất cả các thiết bị xe máy, vật tư đều được đi chuyển, tập kết đến nơi an toàn để tránh thiệt hại. Thành phố cũng yêu cầu Đài Truyền thanh bố trí xe tuyên truyền lưu động thường xuyên, cập nhật tin tức mới nhất của cơn bão số 5 để người dân nắm. Trong vòng 24/24 giờ tới, tất cả các xã, phường bố trí cán bộ trực để sẵn sàng ứng phó với bão lũ. Địa phương cũng bố trí nhân lực, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu với các tình huống do mưa bão gây ra.

Sông Cầu: Chủ động sơ tán người nuôi trồng thủy sản vào bờ tránh bão

Trưa 30/10, các đồng chí Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình ứng phó bão số 5 ở TX Sông Cầu. Trước đó, sáng 30/10, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng đi kiểm tra các khu neo đậu tàu thuyền và vùng nuôi trồng thủy sản tại TX Sông Cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương (đứng giữa) cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế (trái) kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền ở khu vực đầm Cù Mông (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương (đứng giữa) cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế (trái) kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền ở khu vực đầm Cù Mông (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN TX Sông Cầu, từ sáng 30/10, thị xã đã thực hiện lệnh cấm biển, không cho tất cả tàu thuyền ra khơi hoạt động khai thác thủy hải sản. Đến trưa cùng ngày, tất cả tàu thuyền trên địa bàn đã vào các khu neo đậu như Vũng Chào, Vịnh Hòa, Phú Vĩnh, Mỹ Thành, Trung Trinh, đầm Cù Mông… để tránh trú an toàn; còn 18 tàu cá với 89 ngư dân hoạt động gần bờ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận đang trên đường vào bờ tìm nơi tránh trú.

Hiện toàn thị xã có 3.070 hộ nuôi trồng thủy sản với số lượng hơn 1.860 bè nổi, hơn 77.000 lồng tôm hùm thịt, khoảng 23.830 lồng tôm hùm ươm và 5.795 lồng nuôi các biển. Tổng số ngư dân trên các bè nuôi thủy sản ở TX Sông Cầu khoảng 2.920 người, đến trưa 30/10 còn lại 47 người nên các địa phương tiếp tục vận động các ngư dân này vào bờ trước 14 giờ, nếu không thì thực hiện cưỡng chế đưa vào bờ.

Hiện trên địa bàn thị xã có 837 hộ với 2.924 nhân khẩu ở các khu vực nguy cơ ảnh hưởng triều cường, vùng ven biển, ven sông và vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở đất. Đến trưa ngày 30/10, các địa phương đã di dời khoảng một nửa số hộ trên đến nơi an toàn, đồng thời tiếp tục di dời các hộ dân còn lại và hoàn thành trước khi bão vào đất liền… UBND TX Sông Cầu đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó bão số 5 một cách hiệu quả, nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cho biết, qua kiểm tra tình hình triển khai công tác ứng phó bão số 5 trên địa bàn TX Sông Cầu, địa phương đã triển khai quyết liệt các phương án ứng phó, đặc biệt là công tác sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, công tác di dời dân vùng xung yếu và các ngư dân trên các bè nuôi thủy sản. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ngư dân trên các bè và nhiều hộ dân ở vùng trũng thấp, xung yếu chưa được di dời đến nới an toàn. Tính mạng con người là trên hết, UBND tỉnh đề nghị TX Sông Cầu cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn. UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các phương án phòng tránh bão số 5 và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của tỉnh về việc triển khai ứng phó cơn bão này.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản, đi kiểm tra phòng chống bão tại vịnh Xuân Đài. Ảnh: ANH KIỆT

Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản, đi kiểm tra phòng chống bão tại vịnh Xuân Đài. Ảnh: ANH KIỆT

Ông Lưu Văn Huy, Cục Trưởng Cục Kiểm ngư cùng đoàn công tác Tổng cục Thủy sản, sau khi đi kiểm tra việc gia cố lồng bè, công tác đảm bảo an toàn cho người dân trên các lồng nuôi trồng thủy sản tại TX Sông Cầu, cho hay: Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương và người dân đã thực sự chủ động ứng phó với bão, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản, các lồng nuôi, bè nuôi đã được gia cố, hạ thấp độ cao chìm xuống biển để đảm bảo an toàn.

Phó Chủ tịch Trần Hữu Thế cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão số 5, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 1 ngày 30/10. Các địa phương chủ động, kiên quyết di dời, sơ tán người dân nuôi trồng thủy sản vào bờ trước 14 giờ ngày 30/10; nếu thiệt hại xảy ra do tắc trách, lãnh đạo các địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản kiểm tra việc gia cố lồng bè và hạ thấp độ cao chìm xuống biển để đảm bảo an toàn. Ảnh: ANH KIỆT

Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản kiểm tra việc gia cố lồng bè và hạ thấp độ cao chìm xuống biển để đảm bảo an toàn. Ảnh: ANH KIỆT

Tuy An: Khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão số 5

Theo Ban Chỉ huy PCTT - TLKN huyện Tuy An, tính đến 15 giờ 30/10, các xã An Chấn, An Mỹ, An Nghiệp, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư và thị trấn Chí Thạnh đã di dời 298 hộ với 939 người dân vùng trũng thấp, sạt lở và ảnh hưởng triều cường. Huyện Tuy An có 1.033 tàu thuyền, hầu hết đã vào nơi tránh trú tại các cảng cá Tiên Châu, cửa Lễ Thịnh (Tuy An), cảng Dân Phước (TX Sông Cầu), cảng cá Phú Lạc, cảng Vũng Rô (huyện Đông Hòa); có 12 tàu với 68 lao động đánh bắt xa bờ: trong đó 7 tàu với 41 lao động đang neo đậu trú bão ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, 5 tàu đã cập cảng Cà Ná (Ninh Thuận) neo đậu vào nơi an toàn; toàn huyện có 380 lồng, bè nuôi thủy sản, hiện chính quyền địa phương đã hướng dẫn, vận động bà con thả sâu sát đáy.

Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thông báo cho nhân dân biết tình hình mưa, lũ để chủ động phòng tránh, có kế hoạch di dời dân cư vùng trũng thấp ven sông, ven suối có nguy cơ cao xảy ra lũ lụt để đảm bảo an toàn về người, tài sản; neo đậu tàu thuyền ở các bến bãi hạ lưu các sông chắc chắn, chống bừa neo, trôi dạt; kiểm tra các công trình hồ đập, công trình đang thi công, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các sự cố do mưa lũ gây ra; nghiêm cấm người đi lại trong vùng nước chảy xiết, vớt củi trên các sông suối; không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để có thể ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên liên lạc, báo cáo về UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện.

Tây Hòa: Di dời 121 hộ dân, 523 con bò đến nơi an toàn

Chiều 30/10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tây Hòa cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo, phân công thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện trực tiếp xuống địa bàn phụ trách cùng UBND các xã, thị trấn triển khai công tác phòng, chống bão, lũ lụt.

Tại các khu vực xung yếu, huyện đã có phương án đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản người dân. Huyện cũng đã huy động lực lượng và phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu và cứu giúp dân khi có bão, lũ xảy ra; tổ chức và phân công lực lượng giữ gìn an ninh trật tự trước, trong và sau bão, lũ.

Đáng lưu ý nhất là xã Hòa Bình 1, một trong những xã ở vùng trũng thấp, có nhiều hộ dân làm trang trại chăn nuôi bò trên các bãi bồi ven sông Ba, cũng đã cơ bản hoàn thành việc di dời người và tài sản tránh trú bão lũ. Chủ tịch UBND xã Hòa Bình 1 Lương Tấn Ngãi cho biết: Đến chiều cùng ngày, công tác triển khai phòng, chống bão số 5 với phương châm 4 tại chỗ cơ bản hoàn tất. Xã đã triển khai vận động toàn bộ 121 hộ dân nuôi bò ở lại các trang trại ven sông trở về nhà, đồng thời tiến hành di dời 523 con bò đến nơi an toàn.

“Chúng tôi liên tục theo dõi tình hình mưa bão, cắt cử người theo dõi, kịp thời thông báo cho các hộ dân nuôi bò còn ở lại trên sông Ba, cũng như ở những khu vực có nguy cơ cao khác chủ động phòng tránh bão; đồng thời xã phân công lực lượng thanh niên xung kích luôn ứng trực để cơ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra”, ông Ngãi nói.

Đồng Xuân: Cấm xe và người qua lại ở những đoạn đường bị ngập nước

Chiều 30/10, ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Đồng Xuân cho biết, huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với Công an huyện và các đội Quản lý đường bộ cấm các loại xe và người qua lại ở những đoạn đường bị ngập nước. Đó là đoạn cầu đường bộ La Hai cũ, đoạn cổng chào khu phố Long An, thị trấn La Hai; đoạn cầu tràn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 và tuyến đường trũng thấp đi qua các xã Xuân Quang 1 và Phú Mỡ.

Người dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) chặt cây xanh đề phòng bão làm gãy đổ sập nhà. Ảnh: TRÂM TRÂN

Người dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) chặt cây xanh đề phòng bão làm gãy đổ sập nhà. Ảnh: TRÂM TRÂN

Cùng với đó, Phòng NN-PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương kiểm tra, thực hiện điều tiết, tích và xả nước của các hồ chứa nước Kỳ Châu (xã Đa Lộc), hồ Phú Xuân (xã Xuân Phước), thủy điện La Hiêng 2 (xã Phú Mỡ); kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du khi xả lũ.

UBND huyện cũng chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với Công an huyện và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng đảm bảo vật tư trang thiết bị, ca nô, xe máy, lực lượng cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra. UBND các xã, thị trấn, khẩn trương chủ động triển khai thực hiện các phương án ứng phó với các cấp bão, lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”. Liên tục thông báo cho nhân dân biết tình hình mưa bão để chủ động phòng tránh, không được chủ quan lơ là, nhất là vào ban đêm. Có kế hoạch bảo vệ khu dân cư vùng trũng thấp, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ lụt để đảm bảo an toàn về người, tài sản cho nhân dân.

Đông Hòa đưa 50 hộ dân và gia súc đến nơi an toàn

Sáng 30/10, Lãnh đạo UBND huyện Đông Hòa đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình phòng chống ứng phó với cơn bão số 5 tại các địa phương trong huyện.

Tại thị trấn Hòa Hiệp Trung, địa phương đã phối hợp cùng với Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam liên lạc, kêu gọi 420 tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Đồng thời chuẩn bị phương tiện và trực tiếp đến vận động hơn 50 hộ dân khu vực Gò Tròn, Gò Tre (khu phố Phú Hiệp 1) đến nơi an toàn khi có bão, ngập lụt xảy ra. Xã Hòa Hiệp Nam cũng đã liên lạc được 213 phương tiện đánh bắt thủy sản vào nơi neo đậu an toàn, không có trường hợp nào không liên lạc được; vận động các hộ nuôi tôm thu hoạch số tôm gần đến ngày thu hoạch và triển khai các biện pháp bảo vệ số tôm nuôi mới thả. Xã Hòa Tâm cũng đã triển khai phương án thống kê danh sách các hộ dân ở thôn Phước Giang và Phước Tân có nguy cơ ngập lụt chia cắt để di dời. 75 tàu thuyền khai thác hải sản ở xã Hòa Xuân Nam cũng đã vào nơi tránh trú an toàn tại Bãi Chùa. Các hộ nuôi thủy sản chằng chống lồng bè ổn định. Xã Hòa Thành vận động 6 hộ dân với 30 con bò còn đang trên bãi bồi ven sông Ba vào bờ trước 14 giờ chiều cùng ngày…

Người dân khẩn trương cột tàu neo đậu vào bờ tại TX Sông Cầu. Ảnh: NHẬT HUY

Người dân khẩn trương cột tàu neo đậu vào bờ tại TX Sông Cầu. Ảnh: NHẬT HUY

Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai phòng chống bão

Chiều 30/10, Ban chỉ huy PCTT-TKCN trong BĐBP tỉnh đã họp dưới sự chủ trì của đại tá Nguyễn Văn Minh, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh chủ trì tại cuộc họp.

Bộ chỉ huy đã quán triệt rõ nhiệm vụ PCTT-TKCN là nhiệm vụ chiến đấu của BĐBP, quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trên, thực hiện nghiêm lệnh cấm của UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các đồn Biên phòng nghiêm cấm cho tàu cá, ngư dân tiến hành các hoạt động trên biển; duy trì 100% quân số trực sẵn sàng làm nhiệm vụ. Khối cơ quan Bộ chỉ huy thành lập 2 trung đội cơ động sẵn sàng cho các địa bàn sung yếu, giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời lồng bè nuôi trồng hải sản, tài sản và người già, trẻ em đến nơi an toàn. Các cơ quan đơn vị duy trì nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, chỉ thị để thực hiện tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống…

Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác cảnh báo phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn kịp thời

Theo Sở TT-TT, đến 17 giờ ngày 30/10, đơn vị đã triển khai đầy đủ công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 5. Theo đó, đơn vị đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên địa bàn bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác cảnh báo PCTT-TKCN kịp thời. Các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai đảm bảo hạ tầng mạng lưới, nhà trạm viễn thông hoạt động hiệu quả, tin nhắn cảnh báo lụt bão đến người dân. Đảm bảo vật tư, thiết bị dự phòng, xăng dầu để ứng cứu khi có tình huống mưa, bão, ngập lụt, chia cắt xảy ra...

Ngoài ra, Đài Thông tin duyên hải Phú Yên và Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức trực canh 24/24, tiếp nhận các thông tin từ các phương tiện trên biển, giám sát vị trí tàu thuyền. Các lực lượng sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của Bộ chỉ huy và các đồn Biên phòng thông báo kêu gọi hướng dẫn 400 tàu cá (có trên 2.920 lao động) đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, chống và cơ động đến nơi trú tránh an toàn.

NHÓM PV, CTV

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/230821/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-bao-so-5.html