Các đảo quốc Thái Bình Dương chỉ trích các nước giàu về vấn đề khí hậu

Các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương đang chỉ trích các quốc gia giàu có đã không làm đủ để kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu trong khi lại thu lợi từ các khoản vay dành cho các quốc gia dễ bị tổn thương để giảm thiểu tác động thiên tai.

Phiên họp thứ 79 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) tại văn phòng khu vực của Liên Hợp Quốc ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP

Phát biểu tại Phiên họp thứ 79 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) tại văn phòng khu vực của Liên Hợp Quốc ở Bangkok, Thái Lan ngày 15.5, các nhà lãnh đạo và đại diện từ các quốc đảo Thái Bình Dương cho rằng, thế giới cần nỗ lực hơn nữa để gạt bỏ những bất đồng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi nền kinh tế của các quốc gia này chịu tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Mark Brown của Quần đảo Cook cho biết mô hình tài chính để chống biến đổi khí hậu – theo đó các nước giàu cho các nước nghèo và dễ bị tổn thương vay vốn để giảm thiểu tác động - "không phải là cách nên làm" đối với các quốc gia trong khu vực. Ông cho rằng, các quốc đảo Thái Bình Dương với dân số rất nhỏ tạo ra "lượng khí thải carbon không đáng kể”, nghĩa là những thủ phạm không đáng kể. nhưng lại đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng này.

Ông khuyến khích chuyển hướng sang trợ cấp hoặc cho vay không lãi suất để giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nước nghèo hơn.

“Tất cả những gì chúng tôi đang làm là trở thành con nợ của các quốc gia đã thoát khỏi Covid với số nợ ngày càng tăng. Đối với chúng tôi, điều đó là không chấp nhận được khi chúng tôi phải vay tiền từ chính các nước gây ra biến đổi khí hậu để có thể phục hồi và chống lại tác động của biến đổi khí hậu”, ông nói.

Ông Brown cho biết đất nước của ông ước tính mất khoảng 41% GDP vì đại dịch - “sự mất mát của sự thịnh vượng đáng giá trong một thập kỷ”. Ông cho biết sẽ đưa ra thông điệp này tới các nhà lãnh đạo khi ông đại diện cho quốc gia nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương với dân số khoảng 17.000 người tại một Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào cuối tuần này tại Nhật Bản, nơi ông hy vọng có thể phát biểu về vấn đề này bình đẳng hơn với các nhà lãnh đạo hơn là với tư cách là “nước chịu ơn” đối với “các nước cho vay”.

Tổng thống Palau Surangel S. Whipps Jr. đồng ý rằng các cơ hội tài chính là “rất ít và khó khăn”, đồng thời chỉ trích các nước giàu vì đã không cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính mà họ đã hứa, mà theo ông, khoản hỗ trợ này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các khoản chi tiêu ưu tiên của họ, chẳng hạn như quốc phòng.

“Chúng tôi không phải thủ phạm gây ra biến đổi khí hậu, nhưng các nước giàu đang kiếm tiền từ chúng tôi bằng cách cho chúng tôi vay và thu lãi suất", ông nói với hãng AP. Ông Whipps cho biết nền kinh tế của Palau chủ yếu dựa vào du lịch, vốn đang bị đe dọa lớn bởi tác động của biến đổi khí hậu. An ninh kinh tế của đất nước cũng là một vấn đề chính trong các cuộc đàm phán của Palau với Mỹ về “Hiệp ước Hiệp hội Tự do”, một thỏa thuận rộng lớn hơn sẽ điều chỉnh quan hệ của Palau với Washington trong hai thập kỷ tới. Những ràng buộc đó trao cho quân đội Hoa Kỳ các quyền độc nhất và các quyền an ninh khác tại các đảo để đổi lấy viện trợ đáng kể.

Thủ tướng Mark Brown cho biết những nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng phục hồi trước tác động của nó, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng tốt hơn, an ninh lương thực và nước tốt hơn, đòi hỏi rất nhiều tiền, đặc biệt là đối với các quốc đảo có dân số nhỏ. Ông cho biết 1,2 tỷ USD mỗi năm để khu vực chi tiêu cho các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với khí hậu sẽ là “sự khởi đầu”.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/cac-dao-quoc-thai-binh-duong-chi-trich-cac-nuoc-giau-ve-van-de-khi-hau-i328627/