Các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài đồng hành với doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập

Chiều 15-12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 đã diễn ra tọa đàm 'Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam'.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế dự tọa đàm. Cùng dự còn có các nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ và khoảng 100 Đại sứ/Trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, 300 chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh vai trò của công tác ngoại giao kinh tế trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh vai trò của công tác ngoại giao kinh tế trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Những “điểm sáng” của nền kinh tế thế giới và Việt Nam

Tại tọa đàm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho biết, thế giới trong năm qua tuy khó khăn nhưng vẫn có ba "điểm sáng".

Điểm sáng thứ nhất, theo TS Cấn Văn Lực, là “hạ cánh mềm”, không bị suy thoái như mức dự đoán. Thứ hai, lạm phát và giá cả trên thế giới đã hạ nhiệt trong năm nay. Nếu năm ngoái lạm phát thế giới ở mức 8,4% thì năm nay chỉ còn khoảng 5,5% và dự báo sẽ giảm tiếp còn khoảng 3,5% vào năm tới. Như vậy, bài toán về lãi suất của các ngân hàng Trung ương trên thế giới sẽ không còn tăng nữa, mà có thể đảo chiều, tức là bắt đầu giảm từ quý II của năm tới. Điều này giúp phục hồi tăng trưởng trong năm tới và những năm tiếp theo. Điểm tích cực thứ ba của nền kinh tế thế giới trong năm qua là xu hướng về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng đang chuyển hướng tương đối nhanh trong thời gian qua.

 Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng 2023 tiếp tục là năm “họa vô đơn chí” khi thời tiết khắc nghiệt, hệ lụy nặng nề của dịch bệnh, chiến tranh cũ và mới vẫn xuất hiện. Điều này khiến lạm phát, lãi suất, tỷ giá, thị trường tài chính, bất động sản trên thế giới gặp nhiều rủi ro, thách thức.

Đối với Việt Nam, năm 2023, kinh tế nước ta có 4 “điểm sáng”. Thứ nhất, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dự báo 5% trong năm nay. Đặc biệt nền kinh tế đang phục hồi từ tháng 6 đến nay, một phần là nhờ xuất khẩu và đầu tư ở trong và ngoài nước. Thứ hai, kinh tế vĩ mô rất ổn định. Những chỉ tiêu liên quan đến nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách vẫn đang ở ngưỡng an toàn. "Chính vì vậy, mới đây tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Đây là một trong những điểm sáng hiếm hoi của Việt Nam.

Thứ ba, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chuyển biến tích cực, đặc biệt ở trong ngành dệt may, điện tử, năng lượng và nông nghiệp.

Thứ tư về thể chế. Trong thời gian qua nhiều điều luật quan trọng được Quốc hội thông qua hoặc sắp thông qua như Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật bất động sản… Đây là những nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.

TS Cấn Văn Lực dự báo kinh tế Việt Nam trong thời gian tới nhiều khả năng đạt được mức tăng trưởng như mức Chính phủ đề ra là 6-6,5%, lạm phát hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát, năm nay khoảng 3,3%, năm sau khoảng 3,5-4%, tốt hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

TS Cấn Văn Lực cũng khẳng định, công tác ngoại giao và hội nhập năm vừa qua rất thành công, đặc biệt là kinh tế hội nhập.

Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt

Tại tọa đàm, các diễn giả đã tập trung làm rõ những cơ hội và thách thức của DN trong tiến trình hội nhập. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) nêu rõ những lợi thế của thị trường EU cũng như của Việt Nam. Với EU, đây là thị trường lớn với 450 triệu dân, ổn định và bền vững. DN EU có công nghệ nguồn, đi đầu về phát triển xanh.

“Với Việt Nam, chúng ta có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Trong bối cảnh EU có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung, đây là cơ hội cho các DN Việt Nam. Việt Nam có hệ thống cơ quan đại diện ngoại giao mạnh ở châu Âu, quan hệ giữa Việt Nam với các nước EU rất tốt. Đây là điểm tựa vững chắc cho các DN Việt Nam muốn làm ăn với các nước EU”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ tại tọa đàm.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ tại tọa đàm.

Về phần mình, ông Ngô Trịnh Hà, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản đã nêu 3 cơ hội của DN Việt Nam khi hợp tác làm ăn với đối tác Nhật Bản, đó là: Hợp tác kinh tế; phát triển nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân; hợp tác địa phương. Đồng thời, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka cũng chỉ ra thách thức mà DN Việt Nam phải đối mặt khi phải cạnh tranh với các quốc gia khác đang hợp tác với Nhật Bản. Bên cạnh đó, khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, các DN Việt Nam cần chủ động, nhanh nhạy hơn nữa.

Tọa đàm thu hút đông đảo các Đại sứ/Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước.

Tọa đàm thu hút đông đảo các Đại sứ/Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước.

Tại tọa đàm, các DN địa phương bày tỏ mong muốn các Đại sứ, Cơ quan ngoại giao ở nước ngoài tăng cường chia sẻ thông tin dữ liệu; chia sẻ kinh nghiệm của nước ngoài về phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…; kết nối và xúc tiến thương mại thiết thực và hiệu quả hơn; tư vấn pháp lý và pháp luật. Ở chiều ngược lại, các Đại sứ cũng đề nghị DN cần chủ động thích ứng, cụ thể chi tiết và sát thực và phối kết hợp chặt chẽ hơn.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tin tưởng với sự chủ động, quyết tâm của cộng đồng DN Việt Nam, sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các bộ, ngành, đặc biệt là qua kết quả của tọa đàm, ngành Ngoại giao và các DN Việt Nam sẽ có những định hướng cụ thể để đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, góp phần giúp các DN “biến nguy thành cơ”, vượt qua các khó khăn, thách thức, tận dụng hiệu quả những cơ hội để không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và thế giới, tiếp tục viết nên nhiều câu chuyện thành công trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Bài và ảnh: PHƯƠNG LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/cac-co-quan-ngoai-giao-o-nuoc-ngoai-dong-hanh-voi-doanh-nghiep-trong-tien-trinh-hoi-nhap-755603