Các cơ quan điều tra trong CAND tại cấp tỉnh đủ sức thụ lý điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng

Từ khi Trung ương có chủ trương triển khai BCĐ cấp tỉnh về phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lực lượng Công an đã rất chủ động, đến nay, về cơ bản, các cơ quan điều tra trong CAND tại cấp tỉnh đủ sức thụ lý điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng theo phân cấp.

Ngày 19/6, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BCĐ cấp tỉnh), Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đại diện Bộ Công an phát biểu về công tác của Bộ Công an trong triển khai thực hiện BCĐ cấp tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, qua sơ kết đánh giá, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an nhận thấy việc triển khai BCĐ cấp tỉnh là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, qua đó tạo sự chuyển biến đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, những kết quả nêu trong báo cáo đã khẳng định rõ vấn đề này.

Các đồng chí chủ trì hội nghị.

“Về phía Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, trước khi triển khai BCĐ cấp tỉnh, chúng tôi đã chủ động thực hiện chủ trương phân cấp mạnh cho các địa phương trong công tác phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Từ đó, kết quả đạt được cũng tích cực theo từng năm. Với sự hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Công an, một số địa phương chủ trì điều tra được cả án tham nhũng xảy ra tại địa phương và mở rộng ra đến các cơ quan ở bộ, ngành Trung ương. Điển hình Công TP. Hồ Chí Minh điều tra vụ án tại Cục Đăng kiểm… “Từ việc phát hiện, điều tra, xử lý các vi phạm ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã điều tra, làm rõ sai phạm này có hệ thống, có tổ chức, tại nhiều địa phương, trong đó, đã bắt giữ nhiều cán bộ của Cục Đăng kiểm có hành vi nhận hối lộ. Qua đấu tranh, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của nhiều đối tượng, Bộ Công an đã có nhiều kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải trong việc sửa đổi Thông tư 16 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; trong đó nhiều quy định đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân như tự động giãn thời hạn đăng kiểm cho các xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải; miễn kiểm định lần đầu đối với các phương tiện đăng ký mới…” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ và cho biết, công tác này đã đem lại thuận lợi tối đa cho người dân, khắc phục tình trạng người dân phải “ăn chực nằm chờ” ở các Trung tâm đăng kiểm, giúp giảm gánh nặng trong đăng kiểm, hạn chế điều kiện phát sinh tiêu cực tại các Trung tâm đăng kiểm.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết thêm, việc phát hiện, khởi tố án tham nhũng tại cấp huyện cũng có chuyển biến tích cực. Vì vậy, khi Trung ương có chủ trương triển khai BCĐ cấp tỉnh về PCTNTC, có thể nói lực lượng Công an đã rất chủ động. Đến nay, về cơ bản, các cơ quan điều tra trong CAND tại cấp tỉnh đủ sức thụ lý điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng theo phân cấp. Từ khi triển khai BCĐ cấp tỉnh đến nay, việc phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng tại các địa phương có chuyển biến rõ nét, góp phần xử lý nghiêm tội phạm, đồng thời cũng giảm tải cho cơ quan tố tụng cấp trên trong công tác này.

Các đại biểu dự hội nghị.

Trong quá trình điều tra các vụ án, Cơ quan điều tra đã bám sát các quan điểm chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ đã quán triệt. Đồng thời, từ kết quả điều tra cũng đã tham mưu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các phương châm, nguyên tắc này, những khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời. Đây là chỗ dựa chính trị và là kim chỉ nam cho hoạt động điều tra, góp phần liên tục tạo nên các bước tiến mới trong công tác điều tra án tham nhũng.

Kết quả điều tra không những đã minh chứng bản chất vụ án, làm rõ hành vi vi phạm có tính chất vụ lợi cá nhân, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt mà còn kiến nghị khắc phục nhiều sở hở, thiếu sót, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển bền vững. “Những kinh nghiệm phong phú trong công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng, tiêu cực thời gian qua là cơ sở để chúng ta tin tưởng và khẳng định công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được kết quả tốt hơn nữa ở cả Trung ương và địa phương trong thời gian tới” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực để PCTNTC. Trong đó, đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi số quốc gia là giải pháp rất quan trọng để thực hiện nội dung này. “Ví dụ hiện nay việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trên 3 phương diện: làm cho xã hội văn minh hơn; đóng góp trực tiếp phát triển kinh tế, xã hội; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng vặt” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/cac-co-quan-dieu-tra-trong-cand-tai-cap-tinh-du-suc-thu-ly-dieu-tra-cac-vu-an-ve-kinh-te-tham-nhung-i697449/