Cá chết hàng loạt trên sông Vàm Cỏ Đông: Người dân cần câu trả lời thuyết phục

Tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm gần như năm nào cũng diễn ra, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể.

Những năm gần đây, hình ảnh sông Vàm Cỏ Đông “nước xanh biêng biếc” đã không còn nữa, mà thay vào đó là tình trạng nước sông bị ô nhiễm chuyển sang màu đen bốc mùi hôi thối, kèm theo đó là cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt sông. Điều đáng nói là tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm gần như năm nào cũng diễn ra, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể.

Ông Trần Khắc Phục - Trưởng phòng Bảo vệ môi trường lý giải cá nổi đầu đớp móng liên tục là do thiếu ôxy.

Ông Trần Khắc Phục - Trưởng phòng Bảo vệ môi trường lý giải cá nổi đầu đớp móng liên tục là do thiếu ôxy.

Cá chết không phải do dịch bệnh

Từ cuối tháng 4.2024, trên địa bàn tỉnh xuất hiện liên tiếp những cơn mưa lớn, cùng thời điểm này, nhiều người dân sống dọc theo tuyến sông Vàm Cỏ Đông liên tục phản ánh tình trạng cá trên sông nổi đầu và chết hàng loạt một cách bất thường, chưa rõ nguyên nhân.

Theo báo cáo của UBND xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, từ ngày 17.5, nước sông Vàm Cỏ Đông khu vực ấp Phước Hội bắt đầu có sự thay đổi, với những biểu hiện như: nước sông chuyển sang màu đen, trên mặt nước nổi ván, có mùi hôi nồng…; cá tự nhiên trên sông và cá nuôi bắt đầu chết rải rác, đến ngày 18.5 cá nuôi của các hộ tại ấp Phước Hội chết hàng loạt; tại Phước Trung, cá chết nhiều trong ngày 20.5.

Đến sáng 24.5, qua thống kê, UBND xã Phước Chỉ ghi nhận thêm cá nuôi của 12 hộ ở 4 ấp ven sông Vàm Cỏ Đông chết bất thường, nâng tổng số hộ thiệt hại lên 16 hộ. Trong đó, hộ dân ở ấp Phước Hội thiệt hại nặng nhất, ước trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND xã Phước Chỉ cũng ghi nhận hàng loạt vịt đẻ trứng được nuôi nhốt trên sông Vàm Cỏ Đông chết bất thường, chưa rõ nguyên nhân.

Ông Nguyễn Văn Minh- Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND xã đã cử cán bộ và các ban ngành, đoàn thể tìm hiểu tình hình và hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả. UBND xã khuyến cáo các hộ dân thu hoạch cá sớm, di dời các vật nuôi trên sông vào nơi trú ẩn an toàn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, qua kiểm tra thực tế tại rạch Tây Ninh vào ngày 13.5 và đoạn sông Vàm Cỏ Đông qua địa bàn xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng vào ngày 21.5, bước đầu có thể nhận định tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Vàm Cỏ Đông và rạch Tây Ninh không phải do bệnh mà do chất lượng nước sông, rạch thay đổi đột ngột dẫn đến cá bị nhiễm độc môi trường và chết.

Cụ thể, theo như phản ánh của người dân, tình trạng cá chết chỉ xảy ra trong 2 ngày 11 - 12.5, thời gian này nguồn nước trong rạch có mùi hôi, chuyển màu đen so bình thường, không khí có mùi chua giống như mùi của xác bã mì phân hủy, nghi ngờ nước ô nhiễm do xả thải.

Sáng 13.5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Tây Ninh tiến hành kiểm tra, xác minh về việc cá chết trên rạch Tây Ninh tại 3 điểm: cầu Thái Hòa (khu phố 4, phường 2), cầu Bến Dầu (ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh) và khu vực Xóm Chàm (khu phố 2, phường 1) thì không còn tình trạng cá chết, nước trong rạch có màu bình thường, cạn, không có mùi hôi, không khí không còn mùi tanh như người dân phản ánh.

Tiếp đó, ngày 21.5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng và UBND xã Phước Chỉ tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin cá nuôi ven sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua địa bàn xã Phước Chỉ chết bất thường.

Cá nuôi của người dân xã Phước Chỉ bị chết.

Cá nuôi của người dân xã Phước Chỉ bị chết.

Tại thời điểm kiểm tra, nước sông vẫn còn màu đen nhưng nhạt hơn những ngày trước, tại một vài điểm có mùi hôi nhẹ, số lượng cá nuôi bị chết giảm rõ rệt.

Qua công tác ghi nhận thông tin, kiểm tra thực tế và tiến hành đo các chỉ tiêu: pH, DO, độ trong và nhiệt độ của nước tại khu vực nuôi cá của các hộ ở hai ấp Phước Hội và Phước Trung (xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng), trong thời gian xảy ra tình trạng cá chết thì nguồn nước sông có mùi hôi, hắc, thối, nước màu đen. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thống nhất với nhận định do nước sông thay đổi đột ngột dẫn đến cá bị nhiễm độc môi trường và chết.

Cần tìm nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước để có giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ông Trần Khắc Phục- Trưởng Phòng Bảo vệ môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi nắm thông tin, Sở đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm.

Theo ông Phục, tình trạng cá trên sông Vàm Cỏ Đông chết hàng loạt diễn ra gần như là “quy luật” vào thời gian giao mùa hằng năm (tháng 4, 5), nguyên nhân gây nên hiện tượng trên là do lượng ôxy trong nước giảm mạnh.

Trong đó, những yếu tố như hạn hán, nhiệt độ nước liên tục tăng cao, đánh bắt cá bằng thuốc độc, nước thải nông nghiệp và nước thải sinh hoạt tồn lưu trong cống rãnh, vấn nạn lục bình phát triển nhanh và dày đặc... trên một số đoạn sông khiến lượng ôxy trong nước hạ thấp.

“Năm nay do ảnh hưởng của El-Nino, mùa khô kéo dài cùng nhiệt độ tăng cao, nắng nóng gay gắt kéo theo lượng oxy trong nước hạ thấp hơn so với điều kiện bình thường, nên cá nổi đầu đớp móng liên tục; cá bị người dân sử dụng xung điện đánh bắt nên bị chết, chứ không phải do nước bị ô nhiễm”- ông Phục lý giải.

Cũng theo ông Phục, quá trình khảo sát những khu vực hạ lưu của các khu dân cư đều bị nước đen và có mùi hôi nước sinh hoạt như: đoạn Bến Kéo - Bến Đình (tiếp nhận nước thải của thị xã Hòa Thành); khu vực Vàm Trảng (tiếp nhận nước thải thị trấn Gò Dầu); khu vực cầu An Phước (tiếp nhận nước thải của thị xã Trảng Bàng)…

Ngoài ra, còn có dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (hiện nay đang vào mùa xuống giống vụ hè thu) do người dân sử dụng xử lý đất trước khi sạ lúa, rồi vứt bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật xuống cánh đồng..., nếu dư lượng còn tồn lưu sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tác động trực tiếp đến một số loài động thực vật.

Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, việc lấy mẫu nước và kết luận nguyên nhân cá chết do thiếu ôxy chưa thật sự thuyết phục, bởi thời điểm lấy mẫu không trùng với thời gian người dân phát hiện nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm nặng, cá chết hàng loạt.

Cá nuôi của người dân xã Phước Chỉ chết hàng loạt

Cá nuôi của người dân xã Phước Chỉ chết hàng loạt

Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu nước sông thiếu ôxy, tại sao cá, tôm ở những đoạn không có người đánh bắt bằng xung điện và cá nuôi cũng chết. Bên cạnh đó, có hộ dân đã sử dụng các biện pháp xử lý (sục ôxy, xử lý môi trường nuôi) nhưng cá nuôi vẫn chết.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Tây Ninh là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản như: Diện tích mặt nước hồ Dầu Tiếng trên 27.000ha, hệ thống kênh mương thủy lợi Dầu Tiếng với tổng chiều dài hơn 1.500km, hệ thống sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông…

Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Một trong những khó khăn đã và đang làm hạn chế hoạt động sản xuất này nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết là nạn ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt. Đây là nguyên nhân chính khiến cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở Tây Ninh đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong đó, nghề nuôi cá lồng bè những năm trước đây phát triển mạnh trên các sông, rạch thì nay đã giảm rất nhiều.

Để lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển, trước tiên cần xác định được nguyên nhân chính gây nên tình trạng nước đen, bốc mùi hôi, làm cá chết hàng loạt... để có biện pháp ngăn chặn triệt để.

Minh Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ca-chet-hang-loat-tren-song-vam-co-dong-nguoi-dan-can-cau-tra-loi-thuyet-phuc-a173296.html