Bước chuyển mới của nông nghiệp Mường Khương

Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, diện tích đất sản xuất ít, nhưng Mường Khương được đánh giá là địa phương điển hình trong phát triển nông nghiệp.

Những năm gần đây, xã Lùng Vai có nhiều đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng dứa, vùng chè, vùng chuối… với diện tích lớn nhất nhì tỉnh. Để có được kết quả này, Đảng ủy xã đã xác định được lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất của người dân, từ đó ban hành các nghị quyết lãnh đạo, xây dựng các đề án, kế hoạch tập trung cho phát triển nông nghiệp.

Đến Lùng Vai những ngày đầu năm, chúng tôi thấy không khí lao động, sản xuất nhộn nhịp ở mỗi thôn, xóm. Trên đồi chè, tiếng nói cười của người dân đi thu hoạch chè xuân rộn rã. Trò chuyện với chúng tôi, ông Giàng Seo Chu ở thôn Cốc Lầy cho biết: 5 năm trước, khi được hỗ trợ cây giống và phân bón, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 2 ha đất trồng lúa nương và trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chè. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu trồng tới chăm sóc, đến nay diện tích chè đã cho thu hoạch, giúp gia đình có nguồn thu ổn định hằng tháng hơn 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai cho biết: Thời gian tới, Đảng ủy xã xác định lãnh đạo người dân tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa với nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực theo Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, bởi trải qua hơn 40 năm gắn bó đã cho thấy cây chè là cây trồng cho thu nhập bền vững trong phát triển kinh tế của nhiều hộ trong xã. Hiện nay, xã có hơn 940 ha chè, trong đó khoảng 800 ha đang cho thu hoạch, sản lượng bình quân ước đạt gần 1.000 tấn búp tươi/tháng, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng.

Cùng với cây chè, Lùng Vai duy trì vùng trồng chuối mô khoảng 300 ha, vùng trồng dứa 200 ha và vùng trồng lúa Séng cù 27 ha. Với hướng đi đúng và cách làm phù hợp, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác nông nghiệp của Lùng Vai đạt hơn 80 triệu đồng.

Chia tay Lùng Vai, đến xã biên giới Nậm Chảy, chúng tôi được chứng kiến nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trên những vùng đất đồi dốc như trang trại quýt, dứa, chuối mô... Theo ông Cư Thọ, Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy xã đã xác định cần có sự đổi mới tư duy trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. Trong đó, tập trung triển khai giải pháp đồng bộ, tích cực vận động người dân tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa nương, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như chuối, quýt, cam và cây chè. Hiện xã Nậm Chảy đã hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa với hơn 350 ha chuối; 53,6 ha quýt và gần 300 ha chè hàng hóa.

Theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương: "Để thực hiện thành công Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước hết phải tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng thời phải xác định được các ngành hàng chủ lực phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất để đầu tư phát triển gắn với thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị".

Mường Khương đang xác định chè, chuối, dứa là cây trồng chủ lực, sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng. Tổng diện tích chè toàn huyện hiện có 4.941 ha (sản lượng đạt 26.234 tấn, giá trị ước đạt 190 tỷ đồng); 1.570 ha chuối (sản lượng đạt 25.434 tấn, giá trị ước đạt 85 tỷ đồng); 1.500 ha (sản lượng đạt 27.324 tấn, giá trị ước đạt 136 tỷ đồng).

Riêng cây chè, năm 2022 trồng mới 886 ha, năm 2023 dự kiến trồng 700 ha; tiếp tục trồng mới đến năm 2025 nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên hơn 6.000 ha và đến năm 2030 lên hơn 7.200 ha. Huyện đang có 7 nhà máy chế biến với công suất chế biến khoảng 38.000 tấn chè búp tươi/năm. Toàn bộ sản lượng chè búp tươi sản xuất ra được tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Nói về định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Mường Khương, ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao” là một trong những bước đột phá của cả nhiệm kỳ. Theo đó, huyện Mường Khương tiếp tục phát huy thế mạnh vùng cây trồng đặc sản; tăng cường công tác quy hoạch, cơ cấu lại các vùng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với mở rộng sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng hàng hóa, huyện sẽ chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến…

Định hướng phát triển nông nghiệp đã rõ ràng, việc triển khai thực hiện bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Tương lai, các mặt hàng nông sản thương hiệu Mường Khương sẽ có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế, đem lại niềm tin, động lực cho đồng bào các dân tộc địa phương.

Tin liên quan

Nông dân Mường Khương hối hả bước vào thu hoạch chè vụ xuân Đoàn công tác của Tỉnh ủy khảo sát thực tế tại huyện Mường Khương Mường Khương phát động chung sức xây dựng nông thôn mới và thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU Mường Khương tập trung trồng rừng sản xuất

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/366283-buoc-chuyen-moi-cua-nong-nghiep-muong-khuong