Bức tranh nông nghiệp huyện Sốp Cộp

Những năm qua, huyện Sốp Cộp đã phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng trên địa bàn để triển khai hiệu quả các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.

Mô hình trồng cam của người dân bản Nà Mòn, xã Mường Và.

Mô hình trồng cam của người dân bản Nà Mòn, xã Mường Và.

Trước đây, bà con bản Nà Mòn, xã Mường Và chỉ biết trồng ngô, sắn và trồng giống cam địa phương cho năng suất thấp, không đem lại hiệu quả kinh tế. Từ hơn 10 năm trở lại đây, được cán bộ khuyến nông huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ghép mắt, ghép cành, ghép cây cải tạo giống cam địa phương, giờ đây cam Nà Mòn đã dần có thương hiệu trên thị trường, được nhiều thương lái tìm mua, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Ông Lò Văn Bảo, Trưởng bản Nà Mòn, chia sẻ: Bản hiện có 90 hộ thì hầu hết hộ nào cũng trồng cam. Cả bản hiện trồng hơn 30 ha cam; trong đó, hơn 27 ha đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt trên 10 tấn quả/ha. Thu nhập trung bình hằng năm của các hộ trồng cam đạt từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Nâng cao chất lượng sản phẩm cam và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, các cấp, các ngành trong huyện đã giúp người dân bản Nà Mòn thành lập các HTX liên kết tiêu thụ và thực hiện quy trình trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, bản Nà Mòn đã thành lập 2 HTX nông nghiệp, trong đó, HTX Nông nghiệp Duy Lợi chủ lực là trồng cây cam Nà Mòn, với quy mô 7 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Vì Văn Doan, Giám đốc HTX Duy Lợi, cho biết: HTX thành lập từ năm 2016, hiện có 9 thành viên, với 13 ha cam áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép hoặc có nguồn gốc từ hữu cơ, sinh học. Với cách làm này, chất lượng quả cam của HTX không ngừng được nâng lên, thị trường tiêu thụ luôn ổn định, tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm cam của HTX.

Mường Và có 62,3 ha cam các loại; trong đó, hơn 25,4 ha đã cho thu hoạch, tập trung ở các bản Nà Mòn, Nà Một, Nà Vèn, Mường Và... UBND xã đang phối hợp với các phòng chức năng của huyện hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; vận động các hộ liên kết thành HTX, tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, đưa cam Nà Mòn trở thành sản phẩm OCOP của xã.

Ông Lò Văn Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Dựa vào tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương, huyện chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, vận động nhân dân tích cực thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; quan tâm đầu tư các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành nông nghiệp, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Từ nguồn hỗ trợ các chương trình giảm nghèo, 30a, 135, trong giai đoạn 2016-2021 đã thực hiện 185 mô hình, dự án kinh tế mang lại hiệu quả, như trồng cam, quýt, chăn nuôi đại gia súc... Dần hình thành và phát triển vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, như vùng cây ăn quả có múi ở xã Mường Và, Nậm Lạnh; cây cà phê ở xã Dồm Cang, Púng Bánh; vùng sản xuất lúa hàng hóa ở xã Mường Và; các vùng chăn nuôi trọng điểm ở Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Lèo... góp phần tạo nhiều sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nhân dân.

Lãnh đạo huyện Sốp Cộp kiểm tra mô hình trồng dứa nguyên liệu tại xã Dồm Cang.

Lãnh đạo huyện Sốp Cộp kiểm tra mô hình trồng dứa nguyên liệu tại xã Dồm Cang.

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh phức tạp, nhưng các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp của huyện Sốp Cộp đều đạt và vượt. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 6.385 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 22.500 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích cây ăn quả các loại hơn 2.100 ha, sản lượng quả các loại ước đạt 1.810 tấn; trong đó, có 40 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP. Diện tích cây cà phê đạt 431 ha, trong đó, 349 ha đang cho thu hoạch, cho sản lượng gần 490 tấn cà phê nhân. Diện tích sắn 3.327 ha, sản lượng đạt 35.200 tấn. Duy trì 2 sản phẩm OCOP là gạo nếp tan Mường Và, viên hà thủ ô mật ong rừng; đang trình các ngành chức năng chứng nhận sản phẩm OCOP cam, quýt Sốp Cộp, quy mô 300-400 tấn/năm... Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm cơ bản đạt kế hoạch đề ra, nổi bật như đàn trâu hiện có gần 13.800 con; bò gần 16.00 con; dê hơn 4.000 con; lợn 21.680 con và gần 290.000 con gia cầm, đều tăng từ 1-3% so với năm 2020.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sốp Cộp kiểm tra sự phát triển cây mắc ca tại xã Mường Và.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sốp Cộp kiểm tra sự phát triển cây mắc ca tại xã Mường Và.

Tạo bứt phá trong nông nghiệp, huyện đang thu hút các doanh nghiệp, HTX khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng, đưa các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao phù hợp vào trồng trên địa bàn, hình thành các vùng nguyên liệu; vừa tạo việc làm, vừa tạo điều kiện cho người dân học hỏi thêm kỹ thuật trồng và chăm sóc, từ đó tạo hướng đi mới cho bà con. Trong năm qua, huyện còn phối hợp với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trồng 45,4 dứa nguyên liệu tại các xã: Sốp Cộp, Dồm Cang, Mường Và, Púng Bánh, Mường Lèo, Sam Kha. Hiện, cây dứa đã ra lứa quả đầu tiên; phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Mường Và trồng hơn 65 ha cây mắc ca, đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Mô hình trồng cà phê của người dân xã Púng Bánh.

Mô hình trồng cà phê của người dân xã Púng Bánh.

Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích người dân thành lập HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững. Trong năm qua, đã thành lập mới 4 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện lên 28 HTX; trong đó, có 5 HTX chăn nuôi, 5 HTX trồng trọt, 18 HTX nông nghiệp khác.

Huyện Sốp Cộp đang tiếp tục đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến và đưa các giống mới vào sản xuất. Hình thành chuỗi sản xuất, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung cấp thông tin thị trường. Xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả, ứng dụng công nghệ tưới chủ động. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả, an toàn, sạch bệnh; tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp; hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả và từng bước chuyển đổi số trong sản xuất nông sản...

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/buc-tranh-nong-nghiep-huyen-sop-cop-48162